Đến hết tháng 5 - 2013 toàn tỉnh cấp THCS có 34/114 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 29,8%. So với các cấp học thì đây là cấp học có tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đứng thứ 2 sau cấp Tiểu học chiếm 41,1%. Toàn tỉnh có 148/478 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 30,9%.
Kết quả trên phản ánh rõ nét sự cố gắng phấn đấu của ngành giáo dục và đào tạo, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị có liên quan đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác tham mưu của các phòng Giáo dục và Đào tạo cho UBND cấp huyện về xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm. Công tác tuyên truyền đã có tác động sâu rộng trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể, cha mẹ học sinh,...Một số đơn vị đã vượt chỉ tiêu kế hoạch so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII như thành phố Điện Biên Phủ đạt 50% và huyện Điện Biên đạt 73,7% số trường THCS đạt chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị thực hiện chưa đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, thậm chí có đơn vị chưa có trường THCS đạt chuẩn quốc gia như huyện Mường Nhé. Nguyên nhân của những việc chưa làm được trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nói chung và trường THCS nói riêng là do Điện Biên là một tỉnh nghèo, có 10 đơn vị hành chính thì trong đó có đến 4 huyện đặc biệt khó khăn trong 62 huyện nghèo của cả nước hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nhiều đơn vị còn thiếu phòng học, phòng chức năng, khu nội trú, bán trú, phòng bộ môn, hạng mục phụ trợ như cổng trường, hệ thống tường rào, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh…
Tòa nhà lớp học trường THCS Nam Thanh – Thành phố Điện Biên Phủ
Riêng huyện Nậm Pồ, huyện mới được thành lập theo Nghị quyết của Chính phủ dự kiến ra mắt ngày 23/6/2013, tuy là một huyện hết sức khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi nhất định, kế thừa giáo dục từ các xã thuộc huyện Mường Chà, Mường Nhé trước đây. Sau thành lập huyện Nậm Pồ đã có 4 trường đạt chuẩn quốc gia đó là Tiểu học Chà Nưa, Si Pa Phìn, THCS Chà Nưa và Tân Phong, có một số vùng cụm xã giáo dục phát triển tốt như Chà Nưa, Si Pa Phìn, Chà Cang, Nà Hỳ.
Công tác tuyên truyền vận động nhân dân và các tổ chức xã hội tham gia xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa thực sự mang lại hiệu quả. Kết quả huy động kinh phí đóng góp từ nhân dân còn thấp chủ yếu là nguồn kinh phí của nhà nước. Công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra của một số phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các trường THCS đối với công tác xây dựng kế hoạch trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, thiếu quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu đạt chuẩn theo lộ trình, đặc biệt là mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học hoặc xây dựng kế hoạch chưa phù hợp, không có tính khả thi, nhiều đơn vị còn viện dẫn lý do trường chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học.
Chất lượng của một bộ phận đội ngũ giáo viên năng lực chuyên môn còn hạn chế. Việc đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng CNTT vào giảng dạy còn lúng túng, hiệu quả giờ dạy chưa cao, chưa tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Chất lượng học tập của học sinh tuy đã được cải thiện song tỷ lệ học sinh khá giỏi còn thấp, số lượng học sinh xếp loại yếu về học lực, học sinh bỏ học, đi học chưa chuyên cần còn chiếm tỷ lệ cao so với quy định của chuẩn.
Nhận thức sâu sắc về việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi cá nhân và các tập thể trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào các dân tộc được theo học ở môi trường tốt nhất có thể, có điều kiện phát triển góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ngành giáo dục và đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tích cực, quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 07/7/2011 của Tỉnh ủy về chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XII, theo đó đến năm 2015 toàn tỉnh có 47% trường đạt chuẩn quốc gia.
Tổ chức thực hiện Quyết định số 497/QĐ-SGDĐT ngày 16/02/2012 của Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Kế hoạch xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia và trường trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020. Đến năm 2015, cấp THCS phấn đấu có thêm ít nhất 25 trường, nâng tổng số trường THCS đạt chuẩn quốc gia lên 59/114 trường chiếm 51,7%. Một số trường tuy trong lộ trình nhưng hiện đang tương đối khó khăn nhưng được các đơn vị đăng ký lộ trình xây dựng và thẩm định, thể hiện sự quyết tâm cao, như THCS Keo Lôm, Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài, Nậm Nèn, Mường Toong…
TT | Phòng Giáo dục và Đào tạo | Trường THCS | Năm đề nghị thẩm định (*) | Tổng số trường đạt chuẩn đến năm 2015 | Tỷ lệ % |
1 | Thành phố Điện Biên Phủ | THCS Nam Thanh | 2013 | 7/8 | 87,5 |
THCS Thanh Trường | 2014 |
THCS Thanh Minh | 2015 |
2 | Huyện Điện Biên | THCS Nà Nhạn | 2013 | 16/19 | 84,2 |
THCS Mường Pồn | 2015 |
3 | Huyện Điện Biên Đông | THCS Na Son | 2014 | 5/15 | 33,3 |
THCS Thị Trấn | 2014 |
THCS Keo Lôm | 2015 |
4 | Huyện Mường Chà | THCS Sa Lông | 2014 | 11/18 | 61,1 |
THCS Huổi Lèng | 2014 |
THCS Hừa Ngài | 2014 |
THCS Nậm Nèn | 2015 |
THCS Mường Mươn | 2015 |
THCS Mường Anh | 2015 |
5 | Huyện Mường Nhé | THCS Mường Nhé | 2014 | 2/13 | 15,4 |
THCS Mường Toong | 2015 |
6 | Thị xã Mường Lay | THCS Đoàn Kết | 2014 | 3/4 | 75,0 |
THCS Sông Đà | 2015 |
7 | Huyện Mường Ảng | THCS Ảng Tở | 2013 | 5/10 | 50,0 |
THCS Búng Lao | 2014 |
8 | Huyện Tuần Giáo | THCS Vừ A Dính | 2014 | 8/16 | 50,0 |
THCS Quài Cang | 2014 |
THCS Mường Mùn | 2015 |
THCS Nà Sáy | 2015 |
9 | Huyện Tủa Chùa | THCS Mường Báng | 2013 | 2/11 | 18,1 |
Cộng | | | 59/114 | 51,7 |
(*) Năm đề nghị thẩm định được trích trong báo cáo của phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố.
Các chỉ tiêu trên là tương đối cao so với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc, Tây Bắc, để đạt được rất cần có những giải pháp mạnh mẽ và có tính khả thi. Về phía Sở sẽ tổ chức bồi dưỡng tập huấn về xây trường đạt chuẩn quốc gia theo cấp học, cân đối kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội như chương trình Dự án của trung ương, của tỉnh và huyện, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm,...
Nhà lớp học trường THCS Mường Báng – Tủa Chùa.
Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các trường luôn nắm vững những tiêu chuẩn chưa đạt, xác định nguyên nhân đề ra giải pháp khắc phục trong những năm học tiếp theo. Có kế hoạch cụ thể để phấn đấu đạt dần từng yêu cầu cụ thể qua từng học kỳ, từng năm học. Định kỳ báo cáo lãnh đạo huyện ủy, HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã, từ đó có nghị quyết hoặc kế hoạch chuyên đề, quan tâm và nguồn lực đầu tư trường chuẩn quốc gia. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên, học sinh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể, hội cha mẹ học sinh về mục đích, ý nghĩa và tác dụng của công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Đảm bảo cân đối đội ngũ giáo viên tại các trường. Chú trọng cơ cấu đội ngũ các trường như cơ cấu giới tính, độ tuổi, dân tộc, trình độ đào tạo, cốt cán… có tính đến việc điều chuyển giáo viên nòng cốt, cán bộ quản lý có kinh nghiệm dài hạn để xây dựng trường đạt chuẩn.
Huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, đặc biệt tham mưu với chính quyền cấp huyện ưu tiên nguồn vốn chương trình 30a, xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình xóa đói giảm nghèo, vốn xây dựng cơ bản tập trung của huyện, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng biên giới Việt - Trung, Việt - Lào…Trước mắt tập trung vào việc xây dựng bổ sung các phòng chức năng, xây dựng sân trường thân thiện (cây xanh, tường rào, nguồn nước,…), khu nội trú, tổ chức bán trú, các hạng mục phụ trợ khác…để các trường học thực sự là cơ quan văn hóa, giáo dục trung tâm của xã, là nơi thu hút hấp dẫn cộng đồng dân cư và học sinh đến trường. Phát huy tối đa sức mạnh công tác xã hội hóa giáo dục ở tất cả các mặt.
Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho cán bộ quản lý, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, giao chỉ tiêu tự học, tự bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chỉ tiêu thi giáo viên giỏi cho các trường hàng năm nhằm tăng tỷ lệ giáo viên giỏi các cấp.
Được biết một số phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Mường Nhé, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Thị xã Mường Lay, Mường Chà bằng nhiều hình thức đã tổ chức đoàn gọn nhẹ, hiệu quả tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại huyện Điện Biên, Tuần Giáo, thành phố Điện Biên Phủ và các tỉnh bạn./.
Tạ Xuân Chính – Chuyên viên Phòng Giáo dục trung học