Chia tay vốn là chuyện bất thường nhưng với chuyện nghề nghiệp, nhất là với nghề của các nhà giáo, chia tay lại trở thành “lệ”. Nghề giáo có hẳn một “mùa chia tay” trong thời gian bốn mùa dạy học, mỗi năm một lần, và dường không trừ một ai. Những năm gần đây, những cuộc chia tay ấy được tổ chức bài bản, long trọng, sáng tạo và tràn đầy cảm xúc hơn khi các trường THPT trên cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn định tổ chức Lễ tri ân và trưởng thành cho những học sinh khối 12. Và với Điện Biên và nhiều nơi khác còn tổ chức tri ân thầy cô, cha mẹ cho trẻ 5 tuổi, học trò lớp 5, lớp 9 trước khi ra trường để chuyển lên cấp học mới.
Các thầy cô trong Ban giám hiệu và nữ sinh lớp 12
Lễ tri ân và trưởng thành cho các em học sinh khối 12 của THPT Chuyên diễn ra vào một buổi sáng cuối tháng 05, đặc biệt hơn mọi năm bởi năm nay có sự hội tụ của nhiều sự kiện. Đó không chỉ là cuộc chia tay giữa học trò với học trò, giữa học trò với thầy cô mà còn là giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa một Nhà giáo cả đời tâm huyết, trăn trở với sự nghiệp trồng người của mình - Nhà giáo ưu tú, cô giáo Hiệu trưởng Lê Thị Mai (xem những hình ảnh tóm tắt về buổi lễ trong ).
Chia tay nhà giáo Lê Mai, trọn vẹn một sự nghiệp trồng người. Tại buổi lễ, sau khi trình bày bản đánh giá tổng kết năm học cuối cùng của sự nghiệp, nhà giáo Lê Mai đã bày tỏ những tâm sự, trăn trở về nghề, về con đường hơn 30 năm cống hiến cho nghề dạy học, công tác quản lý và các hoạt động giáo dục (xem tâm sự của cô qua ). Những tư tưởng và tình cảm của cô giáo Hiệu trưởng được khắc rất sâu qua lời tâm sự của những học trò đã thành đạt trong buổi lễ, qua những vần thơ của cô được đọc lên - bài thơ “Tâm tình người làm vườn” đã đạt giải A trong cuộc thi sáng tác thơ do ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên phát động nhân kỉ niệm 30 năm ngày nhà giáo Việt Nam, đặc biệt là qua những bó hoa tươi thắm, qua những bày tỏ xúc động chân thành, những lời tâm sự, chúc mừng dành riêng cho cô của rất nhiều học trò, các vị phụ huynh, các thế hệ học trò cũ và của các đồng nghiệp.
Sự kiện chia tay nhà giáo Lê Mai có ý nghĩa dấu mốc. Bởi, trong 18 năm hình thành và phát triển của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, nhà giáo Lê Mai là nữ Hiệu trưởng đầu tiên, cũng là Hiệu trưởng đầu tiên hoàn thành sự nghiệp giáo dục khi vẫn trên cương vị Hiệu trưởng của nhà trường. Đây cũng là thời điểm thực sự khó quên, sự ra đời bài hát truyền thống đầu tiên về nhà trường, lời bài hát do cô Lê Mai viết, cùng với đó là “Mùa hạ cuối” - sáng tác Tô Ngọc Tú (nghe bài hát trong ) là bài hát đầu tiên về một nhà giáo của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Bài hát này được khơi nguồn từ những lời tâm sự về chuyện nghề, chuyện nghiệp của cô, ở đó tư tưởng, tình cảm xuất hiện như một đúc kết, cũng là dự cảm trong bài thơ “Tâm tình người làm vườn”. Bài hát được trình bày bởi một trong các giọng hát hay nhất trường – nữ sinh lớp 12 Bích Ngọc tạo niềm xúc động khôn nguôi “Chia tay…đâu phải là chia tay…chỉ là không gặp…nhưng hình trong tim”. Sau bài thơ Tâm tình người làm vườn, học trò cũng đã sáng tác và đọc tặng lại cô bài thơ rất cảm động “Tâm tình của những hạt giống quý”
NGƯT Lê Mai (thứ hai từ phải sang) tặng bài thơ Tâm tình người làm vườn cho tập thể thầy trò nhà trường.
Tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12, những mùa hạt lại gieo. Các em học sinh khóa 2010-2013 có ít nhiều may mắn khi được chứng kiến những sự kiện quan trọng của nhà trường trong ba năm học. Năm 2010, các em chứng kiến lễ kỉ niệm 15 năm thành lập trường, 2013 các em ra trường trong niềm xúc động chia tay cô giáo Hiệu trưởng, thầy cô, bạn bè. Sự trưởng thành được thể hiện trong lời tri ân của học sinh khối 12, khi các em đã lần đầu tiên rụt rè bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn, lời xin lỗi trước hết đến cha mẹ mình, những đấng sinh thành, dưỡng dục; đến những thầy cô giáo đã “dạy dỗ chúng em thuở còn bé bỏng, non nớt, chúng em chia tay thầy cô khi chưa biết suy nghĩ, chưa nói được một lời cảm ơn, một lời ăn năn”, những người thầy đã có ảnh hưởng không nhỏ đến một phần nhân cách, tương lai của các em; đến những người bạn, những người đồng hành. Bởi “Trong cuộc sống, có những điều thật khó nói ra. Và ba trong số những điều khó nói ra nhất chính là: lời cảm ơn, lời xin lỗi, và lời yêu thương. Có những điều nếu không nói ra sẽ muộn. Và có những điều ta chỉ được trao cơ hội và tiếp thêm động lực để nói một lần duy nhất trong đời.” Các em đã bày tỏ nỗi niềm ấy, theo nhiều cách khác nhau, bằng hành động, bằng việc làm, bằng ánh nhìn và những giọt nước mắt, lời nói đầy cảm xúc, qua những lá thư tri ân với thầy cô, cha mẹ của mình và bằng cả sự im lặng trải nghiệm sâu sắc và lắng đọng….
Không đọng lại ở sự bất ngờ, nhưng chứa chan tình cảm, đó là bầu không khí chung của Lễ tri ân và trưởng thành năm nay tại THPT Chuyên. Chia tay đã thành lệ, và lệ đã rơi. Những giọt nước mắt của một nền tảng nhân văn mãi mãi….