Tình huống 1: “Tại sao em không có bài?” của cô giáo Nguyễn Thị Dung trường PTDTBT THCS Sa Lông, huyện Mường Chà
Trong giờ trả bài kiểm tra 15 phút, một em học sinh đứng lên thắc mắc với bạn một cách gay gắt: “Tại sao em không có bài?”. Bạn xử lý như thế nào?
Bạn rất bức và quay lại nói: “Tôi thu bao nhiêu bài thì tôi trả bấy nhiêu, không thể biết được tại sao em không có bài”.
Bạn giật mình và nghĩ có thể mình đã để mất bài của học sinh ở đâu đó nên bạn nói không lấy điểm lần này của em đó nữa.
Bạn bình tĩnh nói với học sinh lát nữa hết giờ bạn sẽ kiểm tra lại rồi sẽ có câu trả lời chính xác.
Đây là một tình huống đơn giản song lại rất dễ khiến các giáo viên lúng túng. Bạn đã rất cẩn thận và chắc chắn là giữ bài của học sinh đầy đủ, nhưng đột nhiên có em đứng lên thắc mắc như vậy sẽ khiến bạn không khỏi giật mình. Trong tình huống đột xuất đó một suy nghĩ vụt qua: “Có thể mình lại để mất bài của học sinh sao? Nhưng chẳng lẽ lại “thú nhận” ngay lúc này thì thật mất uy tín quá”. Thế là bạn đành tìm cách không chế sự lúng túng của mình bằng cách khẳng định rất kiên quyết: “Tôi thu bao nhiêu bài thì trả bấy nhiêu…” nghe có vẻ rất logic. Thực ra đó lại là cách chống chế rất thiếu trách nhiệm. Nhưng cũng có giáo viên đã chữa cháy bằng cách cho qua không lấy điểm lần này của em học sinh đó. Hành động đó ngang nhiên thừa nhận là bạn đã làm mất bài của học sinh khi thực sự bạn chưa hề biết lỗi có thuộc về mình hay không. Nếu trong trường hợp bạn gặp phải một “cao thủ” là một học sinh bướng bỉnh không đồng ý theo cách giải quyết “giảng hòa” ấy của bạn thì bạn biết xử lý sao đây? Và biết đâu đây lại là “độc chiêu” của một cậu học trò tinh quái nào đó, biết cô giáo “yếu bóng vía” nên dù đã không làm bài nhưng cũng vẫn lớn tiếng, may ra “dọa” được cô.
Cách xử lý tình huống thực tế của giáo viên.
Tốt nhất trong tình huống này dù thực hư thế nào bạn cũng không nên quyết định cách giải quyết ngay mà nên dành thời gian để kiểm tra lại. Để không làm mất thời gian của lớp, bạn có thể nói: “Cô cũng chưa biết cụ thể lý do vì sao em không có bài. Bây giờ em yên tâm ngồi xuống để học bài, sau giờ học cô sẽ kiểm tra lại”. Và khi kết thúc giờ học bạn phải xem lại kỹ sổ đầu bài và sổ ghi chép riêng của mình để biết chính xác hôm đó có vắng ai không. Nếu trường hợp lớp đi đầy đủ thì chắc chắn là em đó có làm bài và bạn đã để thất lạc bài ở đâu đó.
Không gian thân thiện ở THPT Tuần Giáo.
Nhiều giáo viên có thể dạy cùng lúc nhiều lớp khác nhau nên hiện tượng để lẫn bài từ lớp này sang lớp khác là chuyện có thể thông cảm được. Nhưng điều quan trọng là lúc này bạn phải lựa lời nói với em học sinh đó thế nào cho hợp lý. Và chắc chắn qua lần này bạn sẽ tự nhắc nhở mình cần cẩn thận hơn trong việc bảo quản bài kiểm tra của học sinh. Còn trong tình huống bạn phát hiện ra em đó không đi học nhưng lại “lớn tiếng” phản ứng như thế, bạn cần có hình thức nhắc nhở thật nghiêm khắc. Bạn nên gọi riêng học sinh đó ở lại sau giờ học, sau đó phân tích cho em thấy điểm sai trái trong thái độ và hành động của mình. Nếu là lần đầu học sinh mắc lỗi bạn có thể nhân nhượng và cho em làm lại một bài tập khác.
Tình huống 2: “Khi học sinh nói hỗn” của cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt trường trường PTDTBT THCS Sa Lông, huyện Mường Chà
Hôm đó, sau khi dạy xong tiết Toán ở lớp 6A. Tôi vừa tới phòng Hội đồng thì cô Linh, giáo viên Ngữ văn tức giận nói với tôi: “Chị Nguyệt ơi, em tức không chịu nổi. “Con” của chị làm em tức điên lên đây”. Thế có chuyện gì em nói xem nào, tôi ôn tồn hỏi. Cô Linh tiếp: “Vừa nãy ở trên lớp chị trong khi em đang phân tích đoạn văn bản, các học sinh khác đang chú ý nắng nghe thì em Cáng không chú ý nghe giảng, quay mặt ra ngoài cửa sổ. Em gọi trả lời thì đứng phắt dậy bảo là: Em không biết? Bực quá em yêu cầu đứng lên bục giảng cho các bạn nhìn, thế mà nó lại ra khỏi lớp và còn văng tục: Tao không học nữa. Chị xem thế có điên không cơ chứ…”
Cách xử lý tình huống thực tế của giáo viên.
Tôi biết rất rõ là Cáng không phải là học sinh học yếu, hoàn cảnh gia đình em cũng khá éo le. Tết năm ngoái bố em đã ăn lá ngón tự tử, giờ nhà chỉ còn mẹ và hai đứa em đang học tiểu học. Ngay lập tức tôi lên trên lớp gặp ban cán sự lớp để hỏi thăm tình hình sự việc đã xảy ra thì được biết: Mẹ Cáng muốn em ở nhà giúp mẹ không đi học nữa. Tôi cũng đã hiểu phần nào lí do mà Cáng lại làm như thế., tôi tiến hành ngay một số việc cụ thể:
Gặp cô Linh trao đổi lại tình hình của gia đình Cáng
Cùng cán sự lớp và một số bạn gần nhà Cáng đến động viên em, mẹ em vì năm nay em đã học lớp 8 rồi chỉ còn một năm nữa là học hết cấp hai. Tôi cũng hứa sẽ cùng nhà trường, các đoàn thể giúp đỡ hỗ trợ gia đình thêm. Còn việc cư xử của Cáng với cô Linh trên lớp học tôi cho em tự xử lí vì em cũng đã học lớp 8, đã có nhận thức về việc làm của mình rồi.
Học sinh THCS huyện Điện Biên biểu diễn múa sạp
Báo cáo với ban giám hiệu, công đoàn về hoàn cảnh gia đình em Cáng.
Với cách xử lí như vậy tôi thấy đã có hiệu quả. Ngay hôm sau Cáng lại đến lớp, em đã gặp và xin lỗi cô Linh, xin lỗi các bạn và hứa sẽ không bao giờ cư xử như vậy nữa.
Mỗi tình huống sư phạm có thể có nhiều cách xử lí khác nhau để đem lại hiệu quả giáo dục tích cực. Nhưng theo tôi mỗi thầy cô khi quyết định cách xử lí các tình huống sư phạm nên đặt tình yêu thương học sinh như chính tình yêu thương với con em của chính mình, bởi khi đó ta mới có phương án xử lí nhân văn và tối ưu nhất./.
Tổng hợp: Tạ Xuân Chính – Chuyên viên phòng Giáo dục trung học.