Ông Nguyễn Sỹ Quân, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội thảo. Hơn 40 đại biểu tham dự Hội thảo là trưởng phó phòng, chuyên viên các phòng chuyên môn nghiệp vụ Sở, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, Hiệu trưởng các trường THCS đạt chuẩn quốc gia, trường THPT khu vực thành phố và vùng thấp huyện Điện Biên và một số giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy đội tuyển học sinh giỏi các cấp.
Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe báo cáo chất lượng giáo dục toàn diện, phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu tại các trường THCS và chất lượng tuyển sinh 10 hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo. So sánh trong 03 năm học gần đây, chất lượng các môn học văn hóa của học sinh cấp THCS, THPT tăng khá khả quan. Số đơn vị, số lượng học sinh tham gia học sinh giỏi các cấp và chất lượng giải tăng một cách vững chắc. Đến năm học 2012- 2013 100% đơn vị trong toàn tỉnh (9 phòng GD&ĐT, 28 trường THPT) đã tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đối với kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, so với năm học 2009-2010, Điện Biên chỉ đoạt 1giải ba, 1 khuyến khích, thuộc thuộc các môn xã hội, đứng thứ 63/64 tỉnh thành, thì 3 năm sau đến năm học 2012-2013, có 13/47 học sinh đoạt giải, với 6 giải Ba và 7 giải khuyến khích, đứng thứ 44/70 tỉnh thành, đoàn dự thi, xếp trên 19 tỉnh, thành khác về số lượng giải, đặc biệt các môn khoa học tự nhiên đến nay đều đã đạt giải.
Bên cạnh việc học tập các môn văn hóa, rất cần các hoạt động văn hóa nghệ thuật bổ trợ để học sinh được giáo dục toàn diện Báo cáo cũng đã đưa ra một số định hướng và giải pháp, trong đó chú trọng đến công tác quản lý, chỉ đạo công tác phát hiện năng khiếu, tạo nguồn và bồi dưỡng học sinh năng khiếu tại các trường THCS; công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Với 12 báo cáo tham luận của các đơn vị và nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự, Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu trong công tác nâng cao vững chắc giáo dục toàn diện, giáo dục học sinh năng khiếu, học sinh giỏi tại các trường THCS. Công tác chủ trì nội dung này được giao cho trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đặc trách, trong đó công tác phối hợp chuyên môn giữa trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các trường THCS đạt chuẩn quốc gia, trường THCS chất lượng cao và THPT cần được chú trọng. Việc xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, ôn luyện bồi dưỡng cho học sinh giỏi từ cấp THCS được đặt ra. Đội ngũ giáo viên trường chuyên sẽ có kế hoạch và chương trình đến cùng tham gia giảng dạy một số chuyên đề khó, chuyên đề mới cho học sinh giỏi của trường THCS Him Lam, các trường chuẩn quốc gia THCS theo nội dung, kế hoạch phối hợp giữa các trường.
Việc phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho những học sinh giỏi ở vùng khó khăn, xa trung tâm cũng được đề cập. Công tác thúc đẩy đầu tư nâng cao chất lượng dạy học ở các trường THCS trung tâm các huyện, việc phát hiện học sinh năng khiếu từ cấp tiểu học được bàn luận khá sôi nổi. Vấn đề môn tiếng Anh, tại Điện Biên còn thiếu nhiều yếu tố như môi trường tiếng nước ngoài, cơ hội giao tiếp với người bản xứ. Việc nhìn nhận về dạy học và tầm quan trọng của môn tiếng Anh cần có sự cải thiện từ nhận thức, từ cấp tiểu học....
Học trò Chuyên Lê Quý Đôn trong giờ sinh hoạt dưới cờ Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Sỹ Quân, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ các quan điểm của ngành đối với các trường về nhiệm vụ phát triển công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, các thông tin mục tiêu về bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các trường chuyên trong tỉnh, đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong những năm vừa qua về công tác nâng cao chất lượng phát hiện năng khiếu, tạo nguồn và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia. Yêu cầu các đơn vị, từ đánh giá của Sở và các ý kiến tham luận có giá trị của đại biểu, các đơn vị chủ động chỉ ra nguyên nhân của các hạn chế, khó khăn để từ đó có giải pháp phù hợp trong thời gian tới./.
Tạ Xuân Chính – Chuyên viên Phòng Giáo dục trung học