Có 52/421 tác phẩm dự thi đạt giải, Hội thi đã phát hiện được những “hạt giống Thơ” nảy mầm từ tình yêu nghề, yêu người thiết tha, cháy bỏng của các nhà giáo đang ngày đêm lặng thầm cống hiến công sức của mình cho giáo dục vùng cao và tình cảm tri ân thầy cô, mến yêu mái trường của các thế hệ học trò.
Ban Biên tập trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai tác phẩm thơ đạt giải cuooic ùng trong Hội thi. Các tác phẩm thơ sau này Ban biên tập sẽ đăng trên chuyên mục Văn học nhà trường.
Làm mẹ là một trong những thiên chức tuyệt vời nhất mà Thượng Đế đã ban tặng cho người phụ nữ, nhưng làm mẹ không phải thiên chức của một cô giáo đối với học trò mà là chức trách xuất phát từ một tình yêu thương, từ tình nghĩa cô trò. Cảm nhận được thứ tình cảm thiêng liêng đó nên một học trò đã đồng nhất hai khái niệm vốn tách bạch nhau là "mẹ" và "cô giáo":
Thế gian thường gọi mẹ
Người sinh con ra đời
Giờ gọi cô là mẹ
Như xưa thuở thiếu thời
Đúng quá, xưa nay tiếng "mẹ" thiêng liêng chỉ quen dùng cho người đã chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau rồi vắt kiệt thân mình vào bầu sữa nóng, chăm bẵm con từ biết lẫy đến biết bò… Còn cô giáo đón nhận con từ vòng tay người mẹ, chăm sóc con từ nét chữ đến nết người. Cả mẹ và cô đều chung nhau một mục tiêu là nuôi con khôn lớn trở thành người có ích. Nhưng tình cảm của mẹ xuất phát từ tình mẫu tử, còn tình cảm của cô xuất phát từ tình thương và trách nhiệm dạy người. Vậy điều gì đã khiến các cô cậu học trò phải thốt lên một tiếng thân thương gọi Cô là Mẹ? Lí giải điều này không khó, và càng không khó chút nào với những cô - trò ở các ngôi trường nội trú hay bán trú.
Ngôi trường phổ thông có kí túc xá ấy là nơi tụ họp của hàng trăm con em các dân tộc ít người, mà nhiều em trong số ấy lần đầu tiên xa nhà, lần đầu tiên xa cái cộng đồng quen thuộc mà ta thường gọi là nhà, là bản để sống trong một môi trường hoàn toàn mới lạ. Và đương nhiên ở đó không thể nào có bàn tay săn sóc của người mẹ. Với những đứa trẻ hơn chục tuổi đầu chưa hề sống tự lập thì đó quả là một thử thách thật sự. Nhưng không sao đâu, ở những ngôi trường đó đã có những người mẹ thứ hai - theo đúng nghĩa đen - đón nhận và chăm sóc để em lớn khôn cả thể xác lẫn tâm hồn.
Rồi từ nơi đây em sẽ tung cánh bay cao, bay xa trong trời xanh lộng gió. Nhưng có lẽ bao giờ và ở đâu thì những tình cảm ấm áp của cô vẫn đọng vào nỗi nhớ không nguôi, vẫn được đặt tại nơi trang trọng nhất trong tâm hồn, bởi em hiểu đó là một thứ tình cảm vừa dung dị lại vừa cao cả:
Giờ gọi cô là mẹ
Vì sống là yêu thương
Bài thơ "Mẹ" của Nông Thị Nhung chính là một đóa hoa tươi thắm mà em muốn giành tặng cô nhân dịp 20/11 như một lời cảm ơn chân thành nhất với người mẹ thứ hai của mình.
MẸ
Nông Thị Nhung - Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên
Thế gian thường gọi mẹ
Người sinh con ra đời
Giờ gọi cô là mẹ
Như xưa thuở thiếu thời
Ngày chia tay xa bản
Ở nội trú không về
Cô cầm tay, lau mặt:
"Đừng khóc bạn cười chê"
Có đợt sốt nói mê
Gọi tên cô là mẹ
Tỉnh nhờ hơi cháo nóng
Bạn bảo: "cô mua về"
Rồi mỗi ngày mỗi lớn
Học tập và vui chơi
Lao động rồi ăn ngủ
Nghe cô mới nên người
Thế gian thường gọi cô
Người dạy con kiến thức
Giờ gọi cô là mẹ
Vì sống là yêu thương
Mái trường là nơi cất dấu nhiều kỉ niệm của lứa tuổi học trò nên mái trường cũng là đề tài quen thuộc của biết bao nhiêu thế hệ cầm bút. Có những người đến tận cuối đời mới có dịp "về thăm trường cũ", cũng có người vừa mới ra trường đã vội vã lần về kỉ niệm. Nhưng cũng lại có người mới chỉ nghe tiếng ve non mà ngỡ đã hết mùa hè, mới bước vào năm cuối cấp mà ngỡ đã rời xa mái trường thân yêu. Nhưng dù là ai, ở đâu và bao giờ đi nữa thì tất cả đều canh cánh trong lòng những kỉ niệm không phai.
Có lẽ vì vậy mà câu thơ " Nếu một mai ta rời xa lớp học" đã được Trần Tiến Thanh lựa chọn để làm điệp khúc cho bài thơ. Từ điệp khúc ấy những suy tư lan tỏa và bức tranh tâm trạng hiện lên dần dần qua mỗi khổ thơ như sử dụng hiệu ứng PowerPoint vậy.
Bài thơ khai thác đề tài dự cảm nhưng là dự cảm về một sự tất yếu với mỗi thế hệ học trò. Và đó không thể gì khác ngoài một cuộc chia tay với những tâm trạng nuối tiếc, nhớ nhung và sự khát khao về thăm trường cũ. Những nét tâm trạng ấy đã làm nên một "thương hiệu học trò" nên sẽ không có gì là lạ nếu thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp đâu đó trong văn chương những thoáng suy tư về một cuộc chia tay ngập tràn lưu luyến, một bến đò rêu phong trong kí ức hay một người lái đò con mắt vời vợi trông.
Ghế đá, sân trường và hoa phượng vào hạ NẾU MỘT MAI Trần Tiến Thành - Trường THPT Thị xã Mường Lay
Nếu một mai ta rời xa lớp học
Kỉ niệm xưa xin trả lại nơi đây
Có ai cười, có những ai đang khóc
Lệ tuôn trào hòa quyện với màu mây.
Nếu một mai ta rời xa lớp học
Ước mơ xưa xin trả lại thời gian
Và kỉ niệm vui buồn bao năm tháng
Lặng thầm trong nỗi nhớ đợi thu sang.
Nếu một mai ta rời xa lớp học
Bạn tôi ơi! Xin hát khúc yên bình
Ngày ra đi mắt ướt nhòe đưa tiễn
Phút chia tay sao lưu luyến ngập ngừng.
Nếu một mai ta rời xa lớp học
Từng chuyến đò ngang dọc lướt qua sông
Thầy tôi đó, người lái đò khó nhọc
Đứng bên bờ đôi mắt mỏi mòn trông.
Nếu một mai ta rời xa lớp học
Chỉ một điều, là đủ một ước mơ
Những con đò đã xa bờ bến cách
Hãy trở về thắp lại bến bờ xưa.