Trước đây loại hình trường này có nhiều cách gọi khác nhau ở các tỉnh như Trường bán trú dân nuôi, trường nội trú dân nuôi, trường phổ thông có học sinh nội trú dân nuôi, trường bán trú xã... Học sinh được gọi là học sinh bán trú, học sinh nội trú dân nuôi, học sinh bán trú dân nuôi, học sinh bán trú xã…
Cùng với sự ra đời của Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú và Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú là sự ra đời của hệ thống trường PTDTB trong nhiều tỉnh của cả nước trong đó có tỉnh Điện Biên. Tính đến tháng 1/2013, tỉnh Điện Biên có 65 trường PTDTBT, trong đó: PTDTBT Tiểu học có 26 trường với 8.747 học sinh, PTDTBT THCS có 39 trường với 12.666 học sinh, trong đó có 9 trường đạt chuẩn quốc gia (Tiểu học 7, Trung học cơ sở 2)
Trường PTDTBT THCS Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà.
Được sự đồng ý của Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngày 04/3 Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú với sự tham dự của trên 100 đại biểu là Hiệu trưởng các trường PTDTBT, Trường PTDTNT, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện cùng lãnh đạo, cán bộ quản lý và chuyên viên các phòng chuyên môn Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sau một buổi sáng làm việc khoa học, hiệu quả với nhiều tham luận, ý kiến của cán bộ quản lý các trường, các phòng và Sở, Hội nghị đã chỉ ra những thành công, tồn tại và xác định được các giải pháp hiệu quả trong việc tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hệ thống trường chuyên biệt PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú, nâng cao chất lượng dạy học, chăm sóc nuôi dưỡng học sinh. NGƯT, Giám đốc Sở Lê Văn Quý đã có bài phát biểu kết luận quan trọng chỉ đạo những việc cần làm trong thời gian tới đối với hệ thống trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú.
Với hơn hai năm thực hiện thông tư 24, cái được lớn nhất của hệ thống trường PTDTBT là người dân đã nhận thức rất rõ sự cần thiết phải cho con em mình, cũng như bản thân học chữ, học văn hoá đến nơi đến nơi đến chốn, nhiều gia đình đã xác định dù nghèo đói cũng không để con em mình thất học. Ngoài việc tạo thuận lợi cho các em về cơ sở vật chất, bán trú tại trường còn giúp các em được giao lưu nhiều hơn. Các em được tổ chức trong một nếp sống văn minh hơn. Những kỹ năng sống như ăn uống, ngủ nghỉ đều được hướng dẫn. Các em còn được hướng dẫn lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi để trang trải cuộc sống. Trong điều kiện ở nội trú, kỹ năng sống của các em được tăng cường, nhận được sự quan tâm thường xuyên của cán bộ, giáo viên; có nhiều thời gian đầu tư cho việc học và các hoạt động tập thể, có đầy đủ hơn điều kiện học tập. Môi trường tập thể thân thiện, giúp tăng khả năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, giữ gìn và phát huy được nét văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc; nhận thức về xã hội, pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, thực sự đã thu hút, hấp dẫn học sinh.
Thông qua các hoạt động tập trung tại trường học sinh dần thay đổi nhận thức, tập quán sinh hoạt cũ để tiếp thu tri thức mới, đặc biệt là kỹ năng sử dụng tiếng Việt được nâng cao rõ rệt. Đây là điều kiện quan trọng để các em có thể tiếp thu chương trình giáo dục tốt hơn. Điều đáng mừng nhất là khi được ở tập thể, thể lực và lực học của các em được cải thiện rõ rệt, từ chỗ học yếu, kém, nhiều em đã vươn lên thành học sinh giỏi, học sinh tiến tiến.
Trường PTDTBT THCS Tân Lập, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông.
Có thể khẳng định trường PTDTBT chính là một giải pháp ưu việt, rất phù hợp với điều kiện của các địa phương. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có khá nhiều trường PTDTBT đẹp về cảnh quan, tốt về tổ chức hoạt động như PTDTBT THCS Mường Nhà (Điện Biên), Tân Lập (Điện Biên Đông), Na Sang (Mường Chà) hay PTDTBT Tiểu học Tỏa Tình (Tuần Giáo), số 1 Mường Lói, số 2 Mường Nhà (Điện Biên)…..Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ở nhiều trường còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới như: Cơ sở vật chất của nhiều đơn vị trường chưa đảm bảo; quy mô đầu tư và hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội còn nhỏ lẻ, không thường xuyên; điều kiện sinh hoạt cá nhân còn thiếu thốn; biện pháp quản lý của một số hiệu trưởng chưa phù hợp; năng lực dạy học, quản lý bán trú, hướng dẫn học sinh học buổi tối, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của không ít giáo viên giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn./.