Có 52/421 tác phẩm dự thi đạt giải, Hội thi đã phát hiện được những “hạt giống Thơ” nảy mầm từ tình yêu nghề, yêu người thiết tha, cháy bỏng của các nhà giáo đang ngày đêm lặng thầm cống hiến công sức của mình cho giáo dục vùng cao và tình cảm tri ân thầy cô, mến yêu mái trường của các thế hệ học trò.
Ban Biên tập trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai tác phẩm thơ đạt giải khuyến khích trong Hội thi
CÔ GIÁO VỀ BẢN
Nguyễn Thị Hồng Miên- Trường CĐSP Điện Biên
Cô giáo về với bản mường
Cô đem con chữ mở đường tương lai
Trời thu rạng rỡ ban mai
Khó khăn chẳng quản, chông gai chẳng sờn
Bàn chân lội suối, trèo non
Từng nhà cô đến véo von gọi trò
Thương đàn em nhỏ ngây thơ
Mái nhà khốn khó, âu lo đong đầy
Bữa cơm mèn mén, măng cay
Tiếng gà thưa thớt sớm ngày sang canh
Tuổi thơ khôn lớn mong manh
Đồi nương cằn cỗi, mái tranh thêm nghèo
Cô về nắng mới hoà reo
Cô về con chữ về theo, mái trường
Cô về ấm áp yêu thương
Những trang sách mới, con đường mở ra
Nụ cười rạng rỡ gần xa
Đàn em đến lớp, tiếng ca vang rừng
Nhà nhà hạnh phúc rưng rưng
Cuộc đời đổi mới, sáng bừng ánh dương
Cô thành con của bản mường
Một đời gửi trọn mái trường, em thơ!
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nói chuyện với học sinh trường THCS Nậm Xe, Lai Châu - tháng 3-2013. Người ta vẫn bảo giáo viên vùng cao là những người làm nghề cõng chữ lên non, nhưng còn hơn thế, họ phải chiến đấu với khó khăn, với thời tiết khắc nghiệt. Người giáo viên vùng cao đang phải từng ngày, từng giờ gồng mình đưa từng con chữ lên cao để khai sáng, sưởi ấm những tâm hồn lạc hậu ở những nơi vùng cao giá lạnh, góp phần xóa dần khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược. Không có cái chữ, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn biết phá rừng, khai thác sản vật, tài nguyên đến cạn kiệt, hủy hoại môi trường sống của chính mình và cộng đồng.
Bữa cơm mèn mén, măng cay
Tiếng gà thưa thớt sớm ngày sang canh
Tuổi thơ khôn lớn mong manh
Đồi nương cằn cỗi, mái tranh thêm nghèo
Việc đi lại ở đây toàn dùng đôi chân nên mỗi chuyến đi lại là mỗi lần trầy trật như bị hành xác. Thế mà các thầy, cô giáo vẫn gắng và chịu đựng
Bàn chân lội suối, trèo non
Từng nhà cô đến véo von gọi trò
Có cái chữ, đời sống văn hóa tinh thần của người dân phát triển, bớt dần sinh đẻ thiếu kế hoạch, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội...
Cô về nắng mới hoà reo
Cô về con chữ về theo, mái trường
Cô về ấm áp yêu thương
Những trang sách mới, con đường mở ra
Cũng vì thế mà bao nhiêu năm qua, đồng bào các dân tộc vẫn ăn đời ở kiếp, sống và bảo vệ rừng, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, rồi sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống và làm nên những nét văn hóa đặc sắc của mình.
THANH CAO MỘT LỚP NGƯỜI THẦY
Lê Mạnh Huyền – Hội cựu giáo chức tỉnh Điện Biên
Sau ngày giải phóng Điện Biên,
Trong đoàn năm chín (59) anh lên “trồng người”.
Vâng lời Bác dạy Bác ơi!
Lòng anh ghi tạc suốt đời sắt son.
Đã từng lội suối, trèo non,
Biên thùy Tây Bắc sớm hôm mở trường.
Anh đi khắc mọi nẻo đường,
Phổ thông, bổ túc bản mường có anh.
Cuộc đời dành trọn tuổi xanh,
Say sưa nghề nghiệp, công danh lặng thầm.
Nhân sinh, tâm đức, một lòng,
Tình người giáo chức anh cùng sẻ chia.
Gương anh sáng tựa sao khuê,
Thầy, trò lớp lớp đi, về soi chung.
Điểm trường lẻ mầm non và tiểu học ở xã vùng cao Điện Biên. Năm 1959, với chủ trương xây dựng vùng kinh tế khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và của Bác Hồ, 860 giáo viên đã tình nguyện và được điều động phục vụ giáo dục miền núi, với mục tiêu khắc phục tình trạng chậm tiến về kinh tế và văn hóa ở miền núi, đưa miền núi tiến lên cùng miền xuôi xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Sau ngày giải phóng Điện Biên,
Trong đoàn năm chín (59) anh lên “trồng người”.
Vâng lời Bác dạy Bác ơi!
Lòng anh ghi tạc suốt đời sắt son.
Những nhà giáo không sợ khó, không sợ khổ, quyết tâm lấy miền núi làm quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như người ruột thịt của mình, đem theo cái chữ vượt dốc, vượt đèo thắp sáng bản mường, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Mính “ giáo viên ngày nay không phải là “Gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc".
Đã từng lội suối, trèo non,
Biên thùy Tây Bắc sớm hôm mở trường.
Anh đi khắc mọi nẻo đường,
Phổ thông, bổ túc bản mường có anh.
Các thầy, cô giáo đã lên với miền núi, tự tay dựng trường, chống hủ tục (cả nạn quần hôn, cả ám ảnh ma tà), vận động nhân dân tham gia dựng trường, lớp học, vận động nhân dân cho con em đi học, vận động nhân dân tham gia học xóa mù chữ để biến nơi “trắng” về giáo dục này thành nơi ánh sáng. Những năm tháng này, các thầy đã khắc phục mọi khó khăn về đường xá đi lại, khắc phục khó khăn về chưa quen phong tục tập quán của dân, đời sống có nhiều khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm thực hiện “ba cùng” với dân nên sau một thời gian ngắn, nơi các thầy đến phong trào phát triển giáo dục đã bắt đầu có kết quả và ngày càng tốt hơn. Xã Mù Cả, xã Bum Nưa huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là những điển hình tiêu biểu.
Nhân sinh, tâm đức, một lòng,
Tình người giáo chức anh cùng sẻ chia.
Gương anh sáng tựa sao khuê,
Thầy, trò lớp lớp đi, về soi chung.
Công lao của các Thầy cô rất lớn, sự hy sinh cho sự nghiệp của các Thầy cô rất nhiều. Ngành Giáo dục, nhân dân các dân tộc mãi ghi dấu ấn và tri ân đối với công lao của các Thầy cô với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Những thế hệ giáo viên đã và đang nối tiếp sự nghiệp của các thầy cô đã không làm các thầy cô - những nhà giáo khả kính từng gắn bó và không lùi bước trước gian khổ, không khuất phục trước khó khăn ở vùng cao phải thất vọng./.