Từ tháng 2 năm 2013 Ban biên tập website trân trọng mở chuyên mục mới – Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa, …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.
CHUYỆN VỀ
CON CHỮ - CÁI CẦU
Toán và Ngữ văn là những môn học cơ bản trong nhà trường, dĩ nhiên giữa chúng có mối liên hệ khăng khít ít nhiều. Tuy nhiên, xin không được bàn về mối liên hệ ấy mà chỉ mượn tinh thần của Toán để nói chuyện Văn. Văn ở đây cũng không được hiểu là chuyện văn chương, mà đơn giản đó chỉ là chuyện chữ nghĩa, từ chữ nghĩa trong Văn đến chữ nghĩa trong đời sống.
Đợi chờ....
Giải một bài toán, đích cuối cùng là đáp số. Đọc một áng văn, đích cuối không phải là con số, đó là chuyện của tâm hồn, của rung cảm. Nhưng, có một cái cầu, cái cầu mà ai cũng đi qua, tất cả các môn khoa học tự nhiên hay xã hội nhân văn đều phải đi qua, đều phải dựa vào song không phải ai cũng dừng lại để ngắm nghía nó, suy nghĩ về nó. Cái cầu ấy là con chữ.
Từ con chữ nghe có vẻ xa lạ? Không hẳn, đó là chữ mà bạn vẫn viết nắn nót hay vội vã hàng ngày, là những lời bạn nói ra đầy vui vẻ hay tức giận, là những ngôn từ bạn đọc được trong tác phẩm văn chương. Chữ gần gũi, quen thuộc với ta như cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày. Và có phải vì thế chăng mà ta ít nghĩ về nó? Ở các môn tự nhiên, trong những trường hợp cụ thể, môi trường cụ thể và hệ quy chiếu xác định, đáp án có thể coi là duy nhất. Còn ở môn Văn, trong một tình huống cụ thể, dù là câu chuyện của tư tưởng hay tâm hồn thì có lẽ cũng chỉ có một số từ hay thậm chí chỉ có một từ có thể diễn đạt đúng, nói trúng. Nếu đại khái thì dùng những từ “na ná” cũng được, tùy tiện thì thế nào cũng xuôi. Thế là thành chuyện chân cô Cám xỏ giày cô Tấm. Ở các môn xã hội, không có sự chính xác của con số, nhưng có sự chính xác của tư tưởng, cảm xúc. Có những từ ngữ cùng trường nghĩa, nhưng chúng không thể thay thế được cho nhau. Tôi buồn khác với tôi đau, tôi sung sướng khác với tôi hạnh phúc.
Con chữ không phải là chữ, bởi chỉ chữ thôi thì dường như vô tri nhưng con thì chữ được coi như một sinh thể. Có những câu chữ sống ngàn năm tuổi mà vẫn chưa già. Bốn trăm năm trước công nguyên, Socrates để lại hai từ bất tử, vọng vang suốt mấy ngàn năm lịch sử triết lí Tây phương: “Biết mình” (Know myself). Biết về chính mình tức là biết về con người, tức là biết về đời sống và ý nghĩa của nó. Ở Phương Đông, Binh pháp Tôn Tử quan niệm “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Có những câu chữ vừa ra đời đã sớm chết yểu, vĩnh viễn nhân loại không bao giờ biết tới. Riêng Hitler, nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhân loại, đã sớm thấu hiểu sâu sắc về sức mạnh của lời nói: “Uy lực trong lịch sử tạo ra những cơn lốc về tôn giáo và chính trị từ ngàn xưa đều là uy lực thần kỳ của lời nói, và chỉ do lời nói mà thôi.... Chỉ có thể khích động quần chúng bằng uy lực của lời nói. Mọi phong trào vĩ đại đều là phong trào quần chúng, là sự bùng nổ của nỗi mê đắm và xúc cảm của con người...”. Con chữ có khả năng thần diệu như vậy trong lịch sử phát triển của loài người mà nhiều vĩ nhân hay tội nhân đã nắm lấy nó như một cái cầu vững chắc.
Hoa trong Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội.
Nhiều năm gần đây, ở Việt Nam, phần nhiều ở giới trẻ, ít đọc sách, ít dùng từ điển đã trở thành một thói quen. Thông tin được tìm kiếm chớp nhoáng, hiện đại, tìm được nhanh và cũng quên nhanh, nhiều thứ sẵn bày khiến người ta ngại nhớ. Tệ hơn nữa, chữ được dùng một cách dễ dãi. Nói dễ dãi có dẫn đến sống dễ dãi không, điều ấy có thể không chứng minh được, nhưng chắc chắn rằng nói dễ nghĩa là ngại nghĩ, mà khi còn ngại nghĩ đến cùng thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Ngày nay, nhiều cha mẹ chỉ quan tâm dạy con tìm đáp số đến cùng, bỏ quên việc dạy con tìm con chữ đến cùng, mà con chữ chính là cầu dẫn ta đến với tư duy sâu và rộng. Trong những người trẻ, ai sẽ là người đi đến cùng trong suy nghĩ, mở đường cho tư tuy? Câu hỏi đầy nhức nhối!
Người viết không có ý định đưa hai môn Toán và Văn lên bàn cân, song có một điều có lẽ gần như đúng là nhiều người Việt, một phần nhỏ của nhân loại, đặc biệt ở đô thị, đang nhầm lẫn và không ý thức được tầm quan trọng của thứ phương tiện - cầu dẫn vốn vô cùng chắc chắn mà ngày càng trở nên mong manh hơn trong cơ chế thị trường: con chữ. Chữ là thứ rất đắt nhưng nhiều khi bị coi rẻ. Chữ là thứ rất đẹp nhưng nhiều lúc được dùng quá tầm thường. Dùng mà hiểu, dùng mà yêu quý và trân trọng thì chữ trở nên bền, người thêm chín.
Trong giáo dục học sinh, dạy như thế nào để dùng chữ cho thật chắc chắn, đúng người đúng cảnh là một câu chuyện dài. Dạy học sinh, bước đầu tiên là dạy hiểu chữ nhưng sau đó chuyện dùng chữ như thế nào cần được cân nhắc kĩ lưỡng. Và đó trước hết phải là câu chuyện của chữ tâm. Để tâm hơn một chút, cẩn thận hơn một chút, trách nhiệm hơn một chút, người thầy sẽ dẫn trò của mình đi qua cái cầu ấy một lần mà nhớ rất lâu. Làm được hay không, tất nhiên, đó lại là một câu chuyện khác nữa.