Có 52/421 tác phẩm dự thi đạt giải. Hội thi đã phát hiện được những “hạt giống Thơ” nảy mầm từ tình yêu nghề, yêu người thiết tha, cháy bỏng của các nhà giáo đang ngày đêm lặng thầm cống hiến công sức của mình cho giáo dục vùng cao và tình cảm tri ân thầy cô, mến yêu mái trường của các thế hệ học trò.
Ban Biên tập trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai tác phẩm thơ đạt giải khuyến khích trong Hội thi.
CÔ GIÁO MẦM NON
Phạm Thanh Nga - Trường Mầm non Nậm Vì, huyện Mường Nhé
Em mang tên Cô giáo mầm non,
Yêu trẻ thơ lên vùng cao dạy chữ.
Chẳng ngại đường xa qua đèo, qua thác,
Từ miền xuôi lên Mường Nhé thương yêu.
Trái tim cô giáo mầm non,
Thắm đỏ một dòng nhiệt huyết.
Em yêu lắm những mầm xanh bé nhỏ,
Ánh mắt thơ ngây chập chững bước vào đời.
Người ta hỏi em cô giáo mầm non,
Sao lại có nhiều người gọi mẹ?
Phải chăng tình yêu em dành cho trẻ,
Lớn lao như biển cả đại dương.
Cô giáo mầm non – em chỉ có tình thương,
Nhẹ nhàng nâng niu những mầm xanh nhỏ.
Chăm từng bữa ăn giấc ngủ,
Cho dù vùng sâu còn bữa đói, bữa no.
Cả cuộc đời ươm những mầm xanh,
Của bản làng biên cương Mường Nhé.
Em sẽ hát đến khi còn có thể,
Sự nghiệp trồng người nơi biên giới xa xôi.
Trẻ mầm non xã Sam Mứn chào mừng ngôi trường mới. Không hiểu tại sao, mỗi lần đọc bài thơ “cô giáo mầm non” của cô giáo Phạm Thanh Nga, cô đang công tác tại huyện Mường Nhé, nơi cực tây bắc của Tổ quốc, tôi lại nghĩ đến câu thơ “Ôi bài ca thiếu nữ, hãy bay đi theo mặt trời” trong bài thơ CACHIUSA của Mikhaiin Isakopxki. Có phải vì “Trái tim cô giáo mầm non, Thắm đỏ một dòng nhiệt huyết” “Cả cuộc đời ươm những mầm xanh”?
Nghe thấy rất nên thơ, nghe tưởng sáo mòn nhưng không phải. Hãy đến với Mường Nhé để biết, để hiểu “Sự nghiệp trồng người nơi biên giới xa xôi”. Ở đây, không còn đói nhiều, nhưng bà con Mường Nhé còn khổ nhiều! khổ vì xa xôi, hoang hút. Khổ vì đẻ nhiều, khổ vì nắng và gió miền biên viễn... Có đến nơi đây mới biết, nắng gió Mường Nhé hoang dã là như thế nào. Nắng bỏng rát như rứt da rứt thịt. Gió cuồng dại táp vào con người. Bao năm nay người Mường Nhé vẫn chịu nắng, chịu gió chông chênh sống nơi ngã ba biên giới. Vậy mà một cô giáo “mỏng manh như lá cỏ” vẫn kiên cường “hát đến khi có thể” Đáng trân trọng biết bao!
NGÀY CỦA CÔ
Trần Thị Phong - Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ
Ngày của cô bắt đầu lúc mấy giờ
Mà hôm nào em cũng thấy cô sớm nhất
Cô lo trò đi muộn, cô lo trò bỏ tiết...
Còn chúng em vô tư.
Tiết 5 này, cô thực hay hư
Giọng như chưa hề qua bốn tiết
Những phản ứng theo lời cô về hết
Lớp học tự nhiên kết tủa đam mê.
Học trò bọn em lắm lúc, lắm khi
Ùa vào nếp nhăn khóe mắt
Em nhận ra cô khóc
Hôm biết lớp mình có bạn lưu ban.
Cô là cô mặc mưa nắng chan chan
Cô là cô ngày không tính bằng giờ phút
Yêu thương kể ra bằng không bao giờ cô ốm
Bởi học trò phía ấy đợi cô
Mùa hoa cải (ảnh internet)
Tôi chưa từng thích học môn Hóa học, nhưng tôi biết thế nào là “kết tủa đam mê” và tôi rất thích sự sáng tạo này của cô giáo Trần Thị Phong, cô giáo dạy môn Hóa. Học môn Hóa phải nhớ rất nhiều phản ứng hóa học, điều này ai chẳng biết, nhưng có một điều ít người biết hoặc ít người đưa thành lý luận, đó là phản ứng cuộc đời, phản ứng nghề nghiệp. Cô giáo đến sớm, phản ứng của học sinh là không đến muộn; cô giáo nhiệt tình, tận tâm, phản ứng của học trò sẽ là “kết tủa đam mê”, học trò hư, phản ứng của cô là “nếp nhăn khóe mắt”, học trò đợi cô, phản ứng của cô sẽ là “Yêu thương kể ra bằng không bao giờ cô ốm”. Một bài thơ thật hay, nhẹ nhàng mà đậm chất nhân văn. Đậm màu sắc thơ ca mà không át đi chất hóa học./.