Ngoài ra, một số thay đổi khác mới được đưa vào dự thảo này có liên quan trực tiếp đến thí sinh như: thời gian làm bài đối với 2 môn thi toán và ngữ văn thay vì 150 phút mỗi môn sẽ giảm xuống chỉ còn 120 phút.
Dự thảo cũng dự kiến mở rộng đối tượng miễn thi, ngoài những đối tượng như quy chế hiện hành, còn thêm những đối tượng sau: học sinh lớp 12 được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về khoa học kỹ thuật; người học bị khiếm thị, khuyết tật cũng với điều kiện học hết chương trình THPT, đủ điều kiện dự thi, được các cơ sở y tế và trường phổ thông nơi học tập xác nhận tình trạng khiếm thị, khuyết tật.
Dự thảo này cũng sửa đổi theo hướng nêu rõ mỗi trường phổ thông tổ chức một hội đồng thi (điều này đồng nghĩa với việc không khuyến khích tổ chức thi theo cụm như quy định trước đây). “Trong trường hợp phải tổ chức thi ghép hoặc thi liên trường thì không được xếp học sinh của các trường khác nhau trong cùng một phòng thi”, dự thảo nêu rõ.
Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã chỉ đạo các trường, ngay từ đầu năm học tổ chức dạy đến đâu ôn tập đến đó; chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Mặt khác, đổi mới kỳ thi lần này có lợi cho học sinh hơn. Do vậy, áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp đối với các trường giảm bớt và không còn nặng nề như các năm trước. Quan trọng là nhà trường tổ chức làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về những thay đổi, điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng... năm 2014 tới cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường.
Tư vấn học sinh căn cứ lực học lớp 12 để chọn đúng môn thi tốt nghiệp mà học sinh có kiến thức vững vàng và tự tin nhất. Đối với học sinh có học lực trung bình, hoặc còn yếu, mục tiêu đầu tiên là phải tốt nghiệp THPT. Sau đó mới tính đến các yếu tố khác như thi đại học, cao đẳng, nghề...
Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thảo luận phương án thi, ôn thi tốt nghiệp lớp 12 tại hội nghị sơ kết giữa học kỳ 2 và ban hành văn bản thi khi Bộ ban hành quy chế thi chính thức. Mục tiêu tiếp tục thực hiện kỳ thi tốt nghiệp an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; kết quả thi phản ánh đúng thực chất công tác quản lý, giảng dạy và học tập ở các nhà trường. Các trường học, lộ trình từng bước xây dựng thương hiệu, uy tín nhà trường bằng hiệu quả đào tạo học sinh (chất lượng hai mặt giáo dục, sự phát triển trong tương lai) bằng sự quản lý chuyên nghiệp, chất lượng giảng dạy, giáo dục toàn diện, nền nếp học đường./.