Bài học thành công của nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản,... cho thấy: Việc coi trọng và thường xuyên đưa nội dung các chủ đề về cuộc sống địa phương vào giảng dạy, chú trọng học qua trải nghiệm đã tạo nên những bước chuyển biến về môi trường học tập tích cực, hứng thú đối với người học.
Học sinh trường TH Quài Tở, huyện Tuần Giáo chăm sóc hoa khuôn viên trường
Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong Hoạt động trải nghiệm. Tích hợp hoặc sử dụng trong dạy học các môn học ở từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước; các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, từ thiện vì cộng đồng tại địa phương; các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh... góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh tiểu học. Do đó, quá trình xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp nội dung giáo dục địa phương đối với lớp 1 năm học 2020-2021 cần đặc biệt quan tâm một số nội dung sau:
Một là: giáo viên cần nắm rõ mục tiêu cụ thể của tài liệu giáo dục địa phương là nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống, các vấn đề về địa lí, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị – xã hội, môi trường của tỉnh Điện Biên. Thông qua đó bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của địa phương, góp phần xây dựng văn hóa, kinh tế – xã hội Điện Biên ngày càng phát triển; Nội dung GDĐP tỉnh Điện Biên cùng với các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông góp phần tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần, hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông đó là: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại địa phương.
Hai là: Hiểu rõ về nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học được thiết kế thành các chủ đề trải nghiệm với mục tiêu nhằm nâng cao kinh nghiệm sống và những hiểu biết của các em trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, địa lí, kinh tế, môi trường địa phương… giúp các em có cơ hội vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn hàng ngày mà các em gặp ở địa phương. Học sinh sẽ được trải nghiệm với những vấn đề đang tồn tại, nảy sinh xung quanh các em. Ở đây người học sẽ có cơ hội sử dụng tối đa các giác quan trong việc tiếp nhận, chuyển hóa thông tin và biểu đạt chúng dưới các dạng thức khác nhau qua đó nhằm giáo dục phẩm chất, kĩ năng cho người học.
Cô giáo Nguyễn Thị Hưng hướng dẫn học sinh tìm hiểu mục tiêu bài học Ba là: Trên cơ sở các chủ đề được xây dựng trong tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1 có 5 chủ đề: Nơi em sống; Người hàng xóm của em; Ngôi trường của em; Khu chợ nhà em; Cảnh đẹp quê em, ngay từ đầu năm học dưới sự chỉ đạo của chuyên môn trường, giáo viên trong tổ, khối nghiên cứu, thảo luân, thống nhất lựa chọn, xây dựng kế hoạch dạy học có lồng ghép giáo dục địa phương vào từng tiết Sinh hoạt dưới cờ, tiết Hoạt động giáo dục theo chủ đề, tiết Sinh hoạt lớp trong môn hoạt động trải nghiệm hay lồng ghép vào các bài học ở các môn học khác, các hoạt động giáo dục.
Ví dụ:
* Chủ đề: Ngôi trường của em
- Yêu cầu cần đạt: Mô tả được không gian lớp học; Mô tả được khung cảnh của ngôi trường em học (cổng trường, sân trường, lớp học...)
- Tích hợp vào môn học Hoạt động trải nghiệm ở chủ đề 1: Trường Tiểu học (Tiết 1): Hoạt động 2: Trường Tiểu học của em (trang 6,7)
- Với yêu cầu cần đạt: Biết được các phòng chức năng, công việc của những người làm trong trường; Mô tả được hình ảnh thầy/cô hoặc bạn học ở ngôi trường của mình.
- Tích hợp vào môn Tự nhiên và xã hội. Bài 7: Cùng khám phá trường học. Tiết 1: HĐ khám phá (trang 30,31); Tiết 2: HĐ khám phá (trang 32); HĐ Thực hành (trang 32)
* Chủ đề: Khu chợ nhà em
- Yêu cầu cần đạt: Tên, quang cảnh, đường xá quanh khu chợ; Mô tả được khung cảnh họp chợ/mua sắm ở khu chợ; các mặt hàng chính được bày bán; thời gian hoạt động của khu chợ.
- Tích hợp vào môn Tự nhiên và xã hội. Bài 10: Cùng khám phá quang cảnh xung quanh. HĐ1: Khám phá (trang 42)
- Yêu cầu cần đạt: Biết được việc mua đồ là phải trả tiền; Mô tả được một số món đồ tương ứng với giá tiền mà người mua phải trả
- Tích hợp vào môn Tiếng Việt. Bài 61: ong, ông, ung, ưng. Tiết 2: HĐ 5. Nói (trang 135)
Như vậy, tùy vào yêu cầu cần đạt trong mỗi chủ đề của tài liệu giáo dục địa phương mà giáo viên lựa chọn tích hợp vào từng bài, môn học, hoạt động giáo dục cụ thể sao cho linh hoạt và đem lại hiệu quả giáo dục học sinh.
Bốn là: Tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để phát triển. Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (vận dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống địa phương), được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin.
Năm là: Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học. Các hoạt động học tập được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lí thuyết; thực hiện bài tập, trải nghiệm, dự án nghiên cứu; tham quan; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng. Tuỳ theo mục tiêu, tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
Học sinh trường Tiểu học Quài Tở, Tuần Giáo thăm Nghĩa trang Liệt sỹ A1 Việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy chắc chắn sẽ cho thấy hiệu quả tích cực mang lại cho cả thầy và trò không gian mới nhiều hứng thú trong lớp học, giáo viên có thể tổ chức tiết học một cách sinh động, các bài giảng không chỉ mang hơi thở cuộc sống hiện đại gần gũi hơn với học sinh mà còn giúp cả người dạy và người học được tham gia, tìm hiểu về việc giữ gìn bản sắc, giáo dục những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước, làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng an ninh... tại địa phương nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung. Từ đó, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng…
Trên đây là báo cáo tham luận về “Xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp nội dung giáo dục địa phương đối với lớp 1 năm học 2020-2021”, rất mong nhận được sự quan tâm góp ý của quý vị đại biểu về tham dự Hội thảo, sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, để chúng tôi thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp nội dung giáo dục địa phương và hoàn thành thắng lợi việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020 - 2021./.