1. Giữ vững quy mô trường, lớp, học sinh tiểu học; tiếp tục đưa học sinh lớp 3,4,5 từ các điểm lẻ về trường trung tâm nhằm tăng tỷ lệ học sinh/lớp nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Mạng lưới trường, lớp tiểu học tỉnh Điện Biên cơ bản được duy trì ổn định, các xã, phường, thị trấn đều có trường tiểu học, các bản lẻ đều duy trì lớp tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, quy mô học sinh phát triển ổn định. Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 165 trường tiểu học (12 trường THCS có lớp tiểu học), 2.896 lớp với 70.785 học sinh. So với năm học 2010-2011, toàn cấp Tiểu học giảm 5 trường, 472 lớp, tăng 13.101 học sinh. Nguyên nhân tăng, giảm về quy mô trường lớp là do sát nhập trường lớp, đưa học sinh lớp 3,4,5 từ các điểm lẻ về trường trung tâm để nâng cao chất lượng giáo dục, tinh giảm biên chế ngành giáo dục theo Quyết định 550/UBND-VXKG ngày 9/3/2020 của UBND tỉnh. Tổng số học sinh học 2 buổi/ngày 70.765 học sinh tăng, 43.490 (52,7%) so với năm học 2010-2011 (27.295 học sinh, tỷ lệ 47,3%).
Hoạt động Ngoài giờ lên lớp trường TH Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ Tỷ lệ học sinh/lớp tăng từ 17,1 học sinh/lớp năm học 2010-2011 lên 24,5 học sinh/lớp năm học 2019-2020. Huy động trẻ 6 tuổi học lớp 1 đạt 14.445/14.453, tỉ lệ 99,9%; trẻ 6-10 tuổi ra lớp đạt 99,7%. 8/10 đơn vị cấp huyện huy động học sinh từ 6-10 tuổi vượt kế hoạch UBND tỉnh giao. Toàn tỉnh có 76 trường PTDTBT cấp Tiểu học, 1392 lớp 33.050 học sinh. Số học sinh ở nội trú tại trường cả tuần là 29,7% (21.111 em).
2. Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa
Cơ sở vật chất trường lớp được các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng kiên cố đảm bảo đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đến năm học 2019-2020 toàn cấp tiểu học đã có 3.292 phòng học/2.896 lớp (1,13 phòng học/lớp) trong đó phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 91,5%. So với năm học, 2010-2011, tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố tăng 18%, tỷ lệ phòng học tạm chỉ còn 8,5%. Các phòng học đảm bảo yêu cầu 01 lớp/01 phòng học để học 2 buổi/ngày, diện tích phòng học đảm bảo yêu cầu 1,2m2/01 học sinh. Hệ thống phòng chức năng được đầu tư xây dựng với 153 thư viện, 117 phòng thiết bị, 84 phòng ngoại ngữ, 131 phòng máy tính, 116 phòng giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), 19 GD thể chất. Ngoài ra các trường tiểu học còn được đầu tư xây dựng 03 bể bơi (tại huyện Mường Ảng), 955 phòng công vụ cho giáo viên, 975 phòng ở cho học sinh nội trú,158 nhà bếp,165 trường tiểu học đều có nước phục vụ sinh hoạt.
Học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ đọc sách tại thư viện 3. Triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định phê duyệt Kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung GDĐP trong Chương trình giáo dục phổ thông; Quyết định phê duyệt Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm học 2020-2021. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở GDĐT đã ban hành văn bản triển khai Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thành lập Tổ triển khai thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021.Đến cuối tháng 7 năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Nhà xuất bản tổ chức tập huấn lựa chọn sách giáo khoa; hoàn thành việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 tỉnh Điện Biên; các phòng giáo dục và đào tạo đã hoàn thành tập huấn đại trà cho giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo thời gian quy định. Đ/c Phùng Xuân Nha - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm việc với Sở G&ĐT Điện Biên 4. Triển khai có hiệu quả Mô hình trường học mới (VNEN); dạy học tiếng Anh, Tin học; chỉ đạo thực hiện hiệu quả đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018
Dự án VNEN hỗ trợ 68 trường tiểu học vùng khó khăn về thiết bị dạy học, thư viện góc lớp, chuyển đổi từ cách dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực, rèn kĩ năng giao tiếp, hợp tác và khả năng tự học. Đến năm học 2019-2020 100% trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã triển khai áp dụng những thành tố tích cực của Mô hình VNEN. Tài liệu Tiếng Việt công nghệ giáo dục đã giúp cho học sinh lớp 1 của tỉnh biết đọc, biết viết đúng chính tả khi kết thúc chương trình lớp 1.
Năm học 2019-2020 toàn tỉnh có 10/10 đơn vị cấp huyện triển khai dạy tiếng Anh lớp 3,4,5 chương trình 10 năm và tự chọn cho học sinh với tổng số 34.115/39.888 học sinh, tỷ lệ 85,5%. Dạy Tin học tại 130 trường, 911 lớp với 29.127/39.888 học sinh (70,01%), tăng 9,2% so với năm học 2018-2019.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai sáng tạo các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc, tổ chức chuyên đề "Mở rộng vốn từ"; "Ra đề phân môn Tập làm văn theo hướng mở"; giao lưu Tiếng Việt, xây dựng thư viện thân thiện, phát triển văn hóa đọc. Thực hiện đổi mới không gian lớp học, áp dụng linh hoạt phương pháp, kĩ thuật dạy học của Mô hình trường học mới, phương pháp "Bàn tay nặn bột", dạy Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch tạo tiền đề cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT đã được các trường thực hiện nghiêm túc, đảm bảo khách quan, tập trung vào 3 nhóm năng lực cốt lõi (Tự phục vụ-Tự quản, Hợp tác, Tự học và giải quyết vấn đề) tạo động lực và thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục ở cấp Tiểu học.
Lớp học VNEN Trường tiểu học số 2 Na Sang, huyện Mường Chà 5. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Đến 31/5/2020, cấp Tiểu học có 5.755 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó trình độ Thạc sỹ 40, Đại học 3.396, Cao đẳng 1.415, Trung cấp 567, Sơ cấp 29. Trong tổng số 4.298 giáo viên có 93,81% giáo viên có trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên, tăng 26,74% so với năm học 2010-2011; 99,5% giáo viên đạt yêu cầu chuẩn nghề nghiệp với 4.407 người.
100% cán bộ quản lý trường Tiểu học được bồi dưỡng về quản lý giáo dục và đổi mới hoạt động trường tiểu học. Hàng năm cán bộ quản lý trường tiểu học đều được các phòng Giáo dục và Đào tạo đánh giá xếp loại theo chuẩn Hiệu trưởng trường Tiểu học. 100% cán bộ quản lý cấp tiểu học đã được tập huấn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong tháng 8 năm 2019, trên 80% cán bộ quản lý đã trực tiếp chỉ đạo, thực hiện Mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020. 164 giáo viên cốt cán cấp trường đã được Trường đại học sư phạm Thái Nguyên bồi dưỡng về chương trình tổng thể, chương trình môn học.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai CT GDPT 2018 6. Thực hiện tốt kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, nâng cao chất lượng các trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia
Năm học 2010-2011 toàn tỉnh Điện Biên mới có 8/9 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 1, 108/112 xã phường, thị trấn đạt chuẩn giáo dục tiểu học mức độ 1, tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 1. Đến tháng 12 năm 2019, tỉnh Điện Biên có 130/130 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2, tỉ lệ 100%; 114/130 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, tỉ lệ 87,7% tổng số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là 10/10 (100%). Số huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 là 07/10 huyện, tỉ lệ 70%. Tỉnh Điện Biên duy trì đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2 năm 2019. Tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi học lớp 1 đạt 14.445/14.453, tỉ lệ 99,9%; trẻ 6-10 tuổi ra lớp đạt 99,7%. Phấn đấu đến năm 2023 tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3.
Trường Tiểu học số 2 Thanh Yên, huyện Điện Biên đón bằng chuẩn Quốc gia Tính đến 15/7/2020, toàn tỉnh có 118/165 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đạt 71,5%. So với năm học 2010-2011, số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tăng 67 trường. Trong số 118 trường đạt chuẩn quốc gia có 96 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 22 trường đạt chuẩn mức độ 2); có 7/10 đơn vị có tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia đạt từ 60% trở lên.
7. Tổ chức hiệu quả công tác truyền thông giáo dục Tiểu học
Công tác truyền thông về giáo dục tiểu học và chương trình giáo dục phổ thông mới được đặc biệt chú trọng; Từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đều ban hành các văn bản hướng dẫn công tác truyền thông; các đơn vị đã phân công cán bộ, giáo viên nghiên cứu viết bài truyền thông về giáo dục và đào tạo, định kì mỗi tháng gửi ít nhất 01 bài để đăng trên Website của Sở. Ngoài các nội dung truyền thông theo định kì, các phòng GD&ĐT phân công cán bộ viết các tin, bài có tính thời sự thuộc lĩnh vực phòng quản lý đăng tải trên Website của phòng, trường.
Tin tưởng với những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020, giáo dục tiểu học tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục phát triển, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.