Huyện mới Nậm Pồ thuộc tỉnh Điện Biên được thành lập trên cơ sở điều chỉnh toàn bộ 92.577,49 ha diện tích tự nhiên, 28.833 nhân khẩu của 10 xã: Pa Tần, Chà Cang, Nà Khoa, Nà Bủng, Nà Hỳ, Na Cô Sa, Nậm Tin, Nậm Nhừ, Nậm Chua, Vàng Đán thuộc huyện Mường Nhé và toàn bộ 57.235,47 ha diện tích tự nhiên, 14.709 nhân khẩu của 05 xã: Chà Tở, Nậm Khăn, Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ thuộc huyện Mường Chà.
Huyện Nậm Pồ có 149.812,96 ha diện tích tự nhiên và 43.542 nhân khẩu; có 15 xã (Pa Tần, Chà Cang, Nà Khoa, Nà Bủng, Nà Hỳ, Na Cô Sa, Nậm Tin, Nậm Nhừ, Nậm Chua, Vàng Đán, Chà Tở, Nậm Khăn, Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ). Địa giới hành chính huyện Nậm Pồ: phía Đông giáo huyện Mường Chà; phía Tây giáp huyện Mường Nhé và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; phía Nam giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; phía Bắc giáp huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, có gần 140km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, quản lý 42 mốc biên giới.
Lễ ra mắt huyện Nậm Pồ - tháng 6-2013
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã công bố Quyết định về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nậm Pồ khóa I, nhiệm kỳ 2013 - 2015 gồm 35 đồng chí; Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 đồng chí; đồng chí Thùng Văn Siêng – nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Chà giữ chức Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã công bố Quyết định thành lập UBND huyện lâm thời gồm 7 đồng chí và các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Thái – nguyên Phó Văn phòng UBND tỉnh được chỉ định giữ chức Chủ tịch lâm thời UBND huyện Nậm Pồ nhiệm kỳ 2013 - 2015.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ được thành lập theo Quyết định số 373/QĐ-UBND, ngày 05/6/2013 của UBND tỉnh Điện Biên, theo đó đồng chí Nguyễn Văn Thuận nguyên Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông giữ chức Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Hoàng Thị Bích, Nguyễn Văn Tiếp nguyên chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé giữ chức Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ tính đến tháng 7/2013 là 1.430 người. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ quản lý trực tiếp 37 trường, trong đó cấp học Mầm non 11 trường với 243 lớp, 4.573 học sinh; cấp Tiểu học có 15 trường với 344 lớp, 6778 học sinh; cấp THCS có 11 trường với 121 lớp, 3715 học sinh.
Học sinh trường tiểu học Chà Nưa - huyện Nậm Pồ
Nhìn chung giáo dục Nậm Pồ còn nhiều khó khăn ở các xã mới thành lập như Nậm Tin, Nậm Nhừ, Nậm Chua, Vàng Đán, nhưng cũng có nhiều điểm thuận lợi, điểm sáng về giáo dục. Huyện có 4 trường chuẩn quốc gia tiểu học và THCS (2 trường thuộc xã Si Pa Phìn và 2 trường thuộc xã Chà Nưa), một số trường được đầu tư kiên cố khá hoàn chỉnh và có chất lượng khá như cụm trường Phing Hồ, Ma Thì Hồ, Nà Hỳ. Một số trường được huyện Mường Nhé và Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn như cụm trường Na Cô Sa, Pa Tần, Nà Bủng.
Đặc biệt huyện đã có 01 trường THPT Chà Cang thành lập cách đây 6 năm, bước đầu được đầu tư khá khang trang, tiếp quản từ cơ sở vật chất huyện tạm Mường Nhé trước đây, cách trung tâm huyện mới khoảng 40 km. Trường có đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trẻ, năng động nhiệt tình, yêu nghề với trên 40 người, quy mô 15 lớp, 469 học sinh, 100% là học sinh các dân tộc ít người, trên 70% có nhu cầu nội trú. Năm 2013 trường có 81/88 học sinh thi tốt nghiệp lớp 12, đạt 92,04%.
Đầu năm học mới 2013-2014 Sở đã quyết định cử đoàn công tác bồi dưỡng hè riêng cho đội ngũ nhà giáo Nậm Pồ. Các đề án thành lập trường THPT, DTNT THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện đang từng bước được khởi thảo.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu thốn, đặc biệt là nhà công vụ, nhà nội trú, nước sinh hoạt, phòng học ở điểm lẻ……đường xá đi lại khó khăn, địa hình núi cao, độ dốc lớn, rừng nghèo….lại trung tâm huyện cách trung tâm tỉnh khoảng 140 km song với nền tảng sẵn có, đặc biệt là nguồn nhân lực, Nậm Pồ nói chung và giáo dục nói riêng có thể lạc quan với tương lai phát triển nhanh và bền vững, theo kịp giáo dục các huyện khác trong tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND-UBND huyện, sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ quản lý, giáo viên trẻ, nhiệt huyết và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong huyện chúng ta tin tưởng giáo dục Nậm Pồ từng bước được củng cố ổn định và phát triển vững chắc./.
Ngô Văn Đô - Tư vấn VNEN –Giáo dục tiểu học.