Tổ chức Cứu trợ Trẻ em bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 1990 với các hoạt động hỗ trợ trẻ em có khó khăn tại khu vực miền Trung. Đến nay Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã có mặt tại hơn 20 tỉnh thành khắp cả nước, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ Trẻ em, Quyền trẻ em, Giáo dục, Y tế và Dinh dưỡng, Phát triển Thanh thiếu niên, Cứu trợ khẩn cấp và Thích ứng biến đổi khí hậu. Tại Điện Biên, sau khi dự án “Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số” kết thúc, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tiếp tục triển khai dự án “Môi trường học tập an toàn và chất lượng cho trẻ em dân tộc thiểu số” tại huyện Điện Biên Đông.
Tham dự Hội thảo có Bà Lê Thị Thùy Dương - Quản lý Dự án; đại biểu Vụ Giáo dục mầm non- Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại biểu Viện Khoa học giáo dục; các trợ lý Dự án và đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) 04 tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Nam; lãnh đạo và chuyên viên phụ trách cấp học Mầm non, Tiểu học của Phòng GDĐT huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), huyện Văn Chấn (Yên Bái), huyện Tây Giang (Quảng Nam); đại biểu các tổ chức có hoạt động cùng lĩnh vực như: Unicef, Tầm nhìn thế giới, VVOB…
Ảnh 1. Chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu tại hội thảo
Tại Hội thảo, bà Vũ Huyền Trinh - chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non (GDMN) đã đánh giá thực trạng và định hướng về GDMN cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) trong đó nhấn mạnh những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS, đề xuất với Chính phủ một số chính sách cho phát triển GDMN trong giai đoạn tới.
Hội thảo đã được các chuyên gia của SC chia sẻ cách tiếp cận GDMN dựa trên tiếng mẹ đẻ, giới thiệu mô hình "Tăng cường kỹ năng hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Toán và Đọc viết".
Hội thảo đã mời các tổ chức quốc tế làm cùng lĩnh vực chia sẻ nhiều sáng kiến nhằm tăng cường chất lượng GDMN cho trẻ em DTTS như: UNICEF với "Khởi đầu công bằng cho mọi trẻ em thông qua mô hình hỗ trợ phát triển trẻ thơ toàn diện dựa vào cộng đồng dân tộc miền núi"; VVOB với "Tăng cao cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ mầm non ở những khu vực người DTTS"; World Vision với mô hình Bà mẹ trợ giảng,...
Ảnh 2. Bà Lê Thị Thùy Dương - Quản lý Dự án giới thiệu mô hình
"Tăng cường kỹ năng hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Toán và Đọc viết".
Hội thảo đã giành thời gian để các đại biểu từ các đơn vị thực hiện Dự án thảo luận về các hướng nhân rộng mô hình, đẩy mạnh chất lượng GDMN cho trẻ em DTTS với sự đóng góp chuyên môn từ đại biểu Trung tâm nghiên cứu GDMN- Viện Khoa học giáo dục, các tổ chức quốc tế trong việc đổi mới chương trình GDMN và chia sẻ kinh nghiệm từ Bhutan.
Tin tưởng rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành, sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình dự án sẽ thúc đẩy giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số sớm khắc phục khó khăn, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển./.