Cụ thể, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo gồm: Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra; Tiêu chuẩn 2: Bản mô tả chương trình đào tạo; Tiêu chuẩn 3: Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; Tiêu chuẩn 4: Phương pháp tiếp cận trong dạy và học; Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và hỗ trợ người học; Tiêu chuẩn 6: Đánh giá kết quả học tập của người học; Tiêu chuẩn 7: Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên và nhân viên; Tiêu chuẩn 8: Cơ sở vật chất và trang thiết bị; Tiêu chuẩn 9: Bảo đảm và nâng cao chất lượng; Tiêu chuẩn 10: Kết quả đầu ra.
Trong đó, ở Tiêu chuẩn 1, Thông tư nêu rõ mục tiêu của chương trình đào tạo được xác định rõ ràng, phù hợp sứ mạng và mục tiêu của trường; phù hợp mục tiêu giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp; phù hợp thực tiễn địa phương. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được xác định rõ ràng, phản ánh được mục tiêu của chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của khung trình độ quốc gia Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Chuẩn đầu ra phản ánh được yêu cầu của các bên liên quan, yêu cầu đổi mới của giáo dục Việt Nam; được định kỳ rà soát, điều chỉnh và được công bố công khai.
Tiêu chuẩn 3, Thông tư nêu rõ chương trình dạy học được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra. Mỗi môn học hoặc học phần của chương trình dạy học đều có đóng góp rõ ràng trong việc đạt được chuẩn đầu ra. Chương trình dạy học có cấu trúc, trình tự logic, nội dung cập nhật và có tính tích hợp.
Tiêu chuẩn 5, Thông tư nêu rõ chính sách tuyển sinh phải được xác định rõ ràng, công bố công khai và được cập nhật. Các thông tin về ngành học, chương trình đào tạo, chương trình dạy học, đề cương môn học hoặc học phần và việc tổ chức thực hiện được mô tả rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận. Áp dụng các chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với người học là đối tượng ưu tiên. Thực hiện đúng quy định miễn học phí, quy định về các chính sách ưu tiên trong việc xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên sư phạm… Có các hoạt động tư vấn học tập, hoạt động ngoại khóa, hoạt động thi đua và các dịch vụ hỗ trợ khác giúp cải thiện việc học tập và khả năng có việc làm cho người học. Môi trường tâm lý, xã hội và cảnh quan sư phạm tạo thuận lợi cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và sự thoải mái cho cá nhân người học.
Tiêu chuẩn 10, Thông tư cũng quy định, tỷ lệ thôi học, tốt nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp lẫn mức độ hài lòng của các bên liên quan được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng,...