Trong phiên chất vấn Bộ trưởng, các đại biểu tập trung vào các nhóm vấn đề: Hoạt động đào tạo và vấn đề tuyển sinh đại học, cao đẳng; tình trạng sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm; quyết toán ngân sách cho giáo dục và đào tạo; xếp loại hạnh kiểm học sinh đánh giá chất lượng giáo dục và vấn đề giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên; phân luồng học sinh sau trung học; đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn các đại biểu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (tỉnh Yên Bái) và Phạm Thị Hải (tỉnh Đồng Nai) về vấn đề chuyển môn Ngoại ngữ từ bắt buộc sang tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có mâu thuẫn với việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao trình độ Ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020. Về vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định chủ trương nhất quán là phải đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ để nâng cao khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh cho học sinh. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Bộ GDĐT về cách dạy, học và thi ngoại ngữ trong trường học, tại tất cả các cấp học đang có vấn đề, bị lệch về phần ngữ pháp nên học sinh sau khi tốt nghiệp, nhận chứng chỉ nhưng vẫn không thể nghe, nói được.
Bộ trưởng cho biết " Đội ngũ thầy, cô giáo dạy ngoại ngữ của chúng ta trong nhà trường phổ thông hiện nay chưa đạt chuẩn, nói không được, nhiều cháu ở thành phố lớn đi học ở các trung tâm phát âm rất giỏi về cô lại chê, đây là một thực tế".
Chính vì vậy, để chấm dứt tình trạng trên quan điểm của lãnh đạo Bộ GDĐT là phải triển khai đào tạo, chuẩn hóa lại đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, chấn chỉnh lại cách dạy, học, thi ngoại ngữ đúng hướng rồi mới tăng tốc theo các mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia.
“Sau khi chúng ta hoàn tất việc đào tạo lại, chuẩn hóa được đội ngũ giáo viên, có bộ sách giáo khoa mới, cách dạy mới, cách học mới thì lúc đó chúng ta sẽ tổ chức việc thi, có thể bắt buộc môn tiếng Anh để đi đúng hướng, đảm bảm đúng hiệu quả của chương trình".Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.