Đây là Thông tư thay thế cho Quyết định số 32/2005/QĐ-BGDĐT về quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Theo đó một số chỉ tiêu, tiêu chí công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đã có sự thay đổi so với quy định cũ.
Về cơ bản các tiêu chuẩn để đánh giá nhà trường vẫn được khái quát qua 5 tiêu chuẩn đó là: Tổ chức và quản lý nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục với những nội dung được cụ thể hóa theo từng tiêu chí. Các tiêu chuẩn trên cũng chính là những tiêu chuẩn quy định để công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu và quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học với chỉ tiêu của các tiêu chí khác nhau.
Theo Thông tư 59, điểm mới ở trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 quy định Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng nhà trường phải có trình độ đào tạo từ Cao đẳng Sư phạm trở lên và được đánh giá hằng năm theo Quy định Chuẩn hiệu trưởng đạt từ mức khá trở lên. Đối với giáo viên, 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có ít nhất 40% đạt trình độ trên chuẩn. Cơ sở vật chất của trường như khối phòng học, phòng hành chính quản trị đáp ứng yêu cầu quy định tại điều lệ trường tiểu học.
Trường Tiểu học số 1 Na Sang, huyện Mường Chà đạt chuẩn quốc gia mức độ 1
Về hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục cũng có nhiều tiêu chí được nâng cao hơn trước, trường phải có ít nhất 50% học sinh học 2 buổi/ngày, nhà trường đạt các tiêu chí chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi ở mức độ 1 trở lên. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ học đúng độ tuổi đạt 90% trở lên, tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục từ trung bình trở lên đạt ít nhất 96%, học sinh khá giỏi đạt ít nhất 50%, trong đó loại giỏi đạt ít nhất 15%. Về hiệu quả đào tạo của nhà trường, trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 95% trở lên.
Đối với trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, các chỉ số cần đạt cao hơn mức độ 1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phải có trình độ đào tạo từ đại học sư phạm trở lên và được đánh giá xếp loại hàng năm theo Quy định Chuẩn hiệu trưởng đạt mức xuất sắc. Đối với giáo viên, 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó có ít nhất 70% đạt trình độ trên chuẩn (cao đẳng, đại học, thạc sĩ…). Hằng năm, giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đạt loại khá, giỏi từ cấp trường trở lên. Quy định mới về hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định có ít nhất 80% học sinh học 2 buổi/ngày và có kế hoạch để tất cả học sinh được học 2 buổi/ngày. Xã, phường, thị trấn nơi trường đóng được công nhận PCGDTH đúng độ tuổi ở mức độ 1 trở lên. Tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục từ trung bình trở lên đạt ít nhất 98%, học sinh khá giỏi đạt ít nhất 70%, trong đó loại giỏi đạt ít nhất 25%. Về hiệu quả đào tạo của nhà trường, trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 98% trở lên.
Lớp học theo mô hình trường Tiểu học mới (VNEN) tại Sa Lông, Mường Chà
Theo quy định mới, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia ở các mức độ có yêu cầu cao hơn so với quy định trước đây. Thông tư số 59 quy định thêm một số nội dung như đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hiện tượng kỳ thị, vi phạm về giới, bạo lực trong nhà trường; quy định về thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, về đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Chuẩn, đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp, quy định về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường…
Việc bổ sung thêm một số tiêu chí và một số tiêu chí có mức độ yêu cầu cao hơn quy định trước đây của Thông tư 59 là phù hợp, đáp ứng với tình hình thực tế giáo dục hiện nay. Tiêu chuẩn trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là căn cứ để các trường xây dựng kế hoạch, đầu tư, huy động các nguồn lực, tham mưu với chính quyền địa phương để phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn. Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 02 năm 2013./.