Cụ thể, theo quy định mới, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức bao gồm: Lý luận chính trị; Kiến thức quốc phòng và an ninh; Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; Kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Như vậy, so với Nghị định 101/2017/NĐ-CP hiện hành sẽ không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ.
Phải khẳng định rằng từ rất lâu rồi, người dân Việt Nam đã nhận thức được sự phát triển của xã hội ngày nay là phải xuất phát từ năng lực thực tế. Những kỹ năng làm việc, hiệu quả công việc đã không còn đo đếm bởi nhiều bằng cấp, chứng chỉ…
Đa phần những cán bộ nhà nước, ngoài việc làm chuyên môn, chuyên viên thì có một số ít liên quan đến công việc đặc thù là cần phải sử dụng ngoại ngữ, tin học. Những kĩ năng cơ bản về tin học hành chính văn phòng thì đa phần mọi người đều được sử dụng hàng ngày trong công việc. Tuy nhiên, một số chứng chỉ yêu cầu chưa sát thực tế, xa vời với công việc thường ngày mà vẫn bị bắt ép phải có thì một số viên chức, công chức phải tìm mọi cách để có.
Việc bãi bỏ các loại văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và một số chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khác nhận được sự đồng tình của rất nhiều công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nước ta.
Họ vui mừng vì chính cơ quan cao nhất quản lý về mặt con người đã nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật. Một sự thật mà dường như ai trong và ngoài hệ thống đều biết. Đây là một bước chuyển mình trong nhận thức, tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo trong giai đoạn mới.