Thông tư này thay thế Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16 tháng 10 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra; Quyết định số 2316/QĐ-TTCP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ ban hành Quy trình thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra. Thông tư số 06/2021/TT-TTCP bao gồm 52 Điều với các nội dung như: Quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước; trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra; trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra; thành phần Đoàn thanh tra; đề xuất người tham gia Đoàn thanh tra; tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra; nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; tổ chức việc giám sát; nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát; trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; gia hạn thời hạn thanh tra; giám sát của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; thẩm định và tham khảo ý kiến; tài liệu phục vụ việc thẩm định; tiến hành thẩm định; xử lý kết quả thẩm định; xử lý hành vi vi phạm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra…
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định rõ người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia đoàn thanh tra như: Người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người có hành vi vi phạm bị xử lý mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích; người không đủ các điều kiện khác để tham gia đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật. Đồng thời quy định người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra thì không được làm Trưởng đoàn thanh tra.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021./.