Học sinh Trường THCS Thanh Yên, huyện Điện Biên trực tiếp trải nghiệm nghề tạo mẫu tóc chuyên nghiệp tại chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên. Em Lò Thị Minh Nguyệt, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) là cựu học sinh Trường THCS Him Lam niên khóa 2014 - 2018. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 em trúng tuyển vào Trường Đại học Luật. Để đạt kết quả đó là cả một quá trình cố gắng học tập của Nguyệt và hiệu quả của các chương trình định hướng nghề nghiệp do nhà trường tổ chức. Nguyệt cho biết: Sau khi được tham gia một số hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, em đã xác định được ngành nghề phù hợp với bản thân; từ đó, cố gắng học tập, phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình.
Thực tế nhiều học sinh đã lựa chọn được hướng đi phù hợp trong tương lai thông qua các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Trong đó, việc phân luồng học sinh sau THCS là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cấp học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tại Điện Biên, mặc dù việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn còn không ít khó khăn, thách thức khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp. Song thời gian qua, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực từ sự đẩy mạnh phối hợp thực hiện của các trường THCS với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên chú trọng đến công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS. Hàng năm, Trường xây dựng và triển khai kế hoạch hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho học sinh THCS trong toàn tỉnh. Thời gian từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4, các tổ tư vấn tuyển sinh sẽ thực hiện tư vấn, hướng nghiệp kèm tuyển sinh tại tất cả 10 huyện, thị, thành phố. Tại các buổi tư vấn, các em học sinh được nghe tổ tư vấn chia sẻ những thông tin hữu ích về ngành, nghề do Trường đào tạo, việc làm và cơ hội phát triển, cơ hội được học song song THPT và học nghề, chế độ chính sách, lợi ích khi tham gia học nghề; giải đáp các câu hỏi và hướng dẫn các em thủ tục đăng kí nộp hồ sơ, xét tuyển... Từ đó, giúp học sinh có thêm những thông tin bổ ích, định hướng chọn lựa hướng đi trong tương lai phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích của bản thân, điều kiện kinh tế của gia đình và nhu cầu của xã hội, thị trường lao động.
Năm 2021, Trường THCS Thanh Yên (huyện Điện Biên) đã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên tổ chức Chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh và các hoạt động trải nghiệm cho học sinh toàn trường. Cùng với thông tin thầy cô chia sẻ, các em còn được trực tiếp trò chuyện với các sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên (là cựu học sinh trường THCS Thanh Yên) về kinh nghiệm chọn trường, chọn nghề phù hợp, những hoạt động học tập, ngoại khoá và chính sách được hưởng khi đi học nghề... và trực tiếp trải nghiệm các nghề như tạo mẫu tóc chuyên nghiệp, kỹ thuật vẽ móng, trang điểm làm đẹp...
Thầy giáo Phạm Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Yên cho biết: Trường thường xuyên tuyên truyền những thông tin mới nhất liên quan đến hướng nghiệp và nghề nghiệp xã hội đang cần hiện nay, những trăn trở và mong muốn các em sau khi tốt nghiệp THCS sẽ theo học THPT, học nghề... nhằm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh để cùng với nhà trường chọn nghề phù hợp cho con em. Đồng thời, phối hợp với các trường nghề tổ chức nói chuyện với học sinh về nghề nghiệp tương lai, sở thích, nhu cầu của xã hội hiện nay. Qua đó, giúp các em học sinh có cách nhìn nhận và định hướng đúng về nghề nghiệp và tương lai của mình sau này.
Để công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt hiệu quả, việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội, của chính bản thân học sinh và phụ huynh về nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp là cần thiết. Bên cạnh sự kết hợp giữa các giải pháp chính sách, can thiệp và điều tiết của nhà nước; gắn đào tạo với sử dụng và thị trường lao động, nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm, làm việc đúng ngành nghề đào tạo và sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thì còn cần thêm sự chung tay của các cấp, ngành, các địa phương và toàn xã hội.