Tết té nước của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên
Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên thuộc loại hình lễ hội truyền thống, được xem là Tết chính của người Lào, diễn ra trong nhiều ngày (ngày 14, 15, 16 tháng Tư dương lịch của người Việt và ngày 11, 12, 13 tháng Năm theo lịch Lào); với những hoạt động có ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh như cúng bản, cúng tổ tiên… Té nước có ý nghĩa là để tẩy rửa những điều xui xẻo trong năm cũ. Người dân té nước cho nhau với mong muốn năm tới sẽ có những điều tốt lành. Mục đích chính của té nước là mong muốn tống tiễn mùa khô, cầu mong mùa mưa trở lại để người dân bắt đầu một vụ gieo trồng mới. Phần hội của Tết té nước còn có các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc của dân tộc Lào như: Tấu phắc sá - táu lasa (rùa ấp trứng), Xưa khốp mu (hổ vồ lợn), Ngù kin khiết (rắn bắt ngóe), Phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu), Pít mắc tanh (hái dưa chín)…
Tết té nước của người Lào tại xã Núa Ngam góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của tộc người cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Đây là lễ hội, tết truyền thống gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh để lễ tạ ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn trong năm qua và cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an đầu năm mới. Lễ hội đã được lưu truyền từ nhiều đời nay, không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn có giá trị rất lớn về tinh thần, giúp cho cộng đồng dân tộc Lào cùng nhau gắn kết, cùng nhau lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông ngành Mông hoa (Môngz Lênhs), tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà thuộc loại hình tri thức dân gian; lưu giữ kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong; dệt, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống: Váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp... Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc trong cách tạo hoa văn, phối màu trên các sản phẩm vải để tạo nên những trang phục đẹp, độc đáo, tinh tế, nhuần nhị, mang sự riêng biệt của người phụ nữ Mông và không lẫn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác.
Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải của người Mông hoa phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. Đồng bào dân tộc Mông hoa quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hoá của những người nghệ nhân Mông hoa. Hiện nay, người Mông ở xã Sa Lông vẫn luôn bảo vệ và phát huy giá trị di sản mang đậm tính thẩm mỹ, thể hiện sự tài hoa, tinh tế và khéo léo này./.