Cụm từ “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” được Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định là sáng tạo độc đáo trong việc tìm tòi một công thức thể hiện được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới hình thức phổ thông, sinh động, dễ đi vào lòng người, dễ hiểu đối với quần chúng nhân dân.
Làm cho nhân dân ngày càng giàu là một trong những mục tiêu chủ yếu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng là thách thức vô cùng to lớn. Không những thông qua công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn phải có lực lượng sản xuất hiện đại dựa trên trình độ khoa học công nghệ hiện đại, năng suất lao động xã hội cao, có tiềm lực về tài nguyên “chất xám”, có một nền kinh tế tri thức phát triển cao bắt nguồn từ hệ thống giáo dục hiệu quả.
Giờ học Tiếng Anh ở trường Tiểu học Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ Hiện nay, cùng với xu thế quốc tế hóa ngày càng mạnh mẽ, sự phát triển không ngừng của công nghệ, mỗi quốc gia giàu mạnh đều có nền kinh tế tri thức phát triển với nền tảng là nguồn nhân lực chất lượng cao. Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đi tắt đón đầu, nhanh chóng trở thành nước công nghiệp phát triển, chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với lực lượng lao động phổ thông và tư liệu sản xuất lạc hậu, càng không thể chỉ trông chờ vào khai thác và bán tài nguyên thô đang ngày cạn kiệt.
Theo thống kê năng suất lao động của người lao động Việt Nam hiện nay khá thấp (chỉ bằng 1/23 của Singapore, 1/3 của Thái Lan; gần 1/2 của Philippines và Indonesia), lợi thế cạnh tranh về giá nhân công rẻ chỉ có lợi ích trước mắt về thu hút vốn đầu tư. Nguyên nhân quan trọng nhất là nhân lực được đào tạo trong các ngành kỹ thuật - công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp, lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là các ngành trọng điểm như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện, các lĩnh vực tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế còn thiếu hụt. Do đó để nâng cao nâng suất lao động người lao động phải được giáo dục và đào tạo để có kiến thức, có chuyên môn và năng lực làm việc, làm chủ máy móc, công nghệ - trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Con đường xây dựng và phát triển đất nước đã được Đảng ta khẳng định rất rõ ràng “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.
Học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (tỉnh Điện Biên) thả ước mơ ngày khai trường. Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nền giáo dục nước nhà đã có nhiều thay đổi, khởi sắc. Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh, thành, từ vùng thuận lợi đến vùng miền khó khăn đều có đủ trường học, nhiều trường đã được xây dựng kiên cố. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đạt mục tiêu phổ cập giáo dục; cả nước có trên 22 triệu học sinh, sinh viên được đến trường; nhiều thế hệ học sinh tham gia các kỳ thi Học sinh giỏi quốc tế đạt thành tích nổi trội.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mới chỉ phục vụ được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; giáo dục mũi nhọn với những học sinh có thành tích cao trên trường quốc tế đều là kiến thức lý thuyết, lực lượng này đa phần sẽ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nguồn nhân lực chất lượng cao có tri thức, đạo đức, năng lực làm việc, được trang bị những giá trị sống, kỹ năng hợp tác phát triển phù hợp với thời đại và đòi hỏi của nền kinh tế hội nhập còn thiếu nói chung, các tỉnh khó khăn thì vừa thiếu, vừa yếu.
Năm 2013, Đảng ta đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” làm nền tảng thực hiện những đổi mới có tính bước ngoặt cho nền giáo dục Việt Nam. Ngoài những thay đổi lớn mang lại hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể với những đổi mới đòi hỏi giáo viên phải tự học, tự bồi dưỡng với quyết tâm cao mới có thể đảm bảo năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người giáo viên có nhiệm vụ nặng nề và cũng rất vẻ vang. Đó là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại; bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Trong thế kỉ XXI vai trò giáo viên trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận, nhiệm vụ chính của giáo viên là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để người học có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo. Không có cách nào tối ưu hơn việc chúng ta phải hiểu sâu sắc công việc của chính mình để quyết định thành công của bản thân và xã hội trong tương lai. Mỗi nhà giáo cần hiểu và xác định rằng: sự thay đổi là sống còn và phải chấp nhận. Đồng nghĩa với việc phải tự giác, chủ động chuẩn bị cho mình đảm nhiệm tốt vai trò quyết định trong việc giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đây chính là điều kiện tất yếu để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước làm nền tảng phát triển các lĩnh vực kinh tế khác.
Bên cạnh đó, một đất nước giầu mạnh có đội ngũ nhân lực chất lượng với nền sản xuất công nghệ cao lại đỏi hỏi khắt khe về phát triển bền vững. Vấn đề môi trường, xung đột văn hóa, suy thoái đạo đức,… sẽ nhanh chóng trở thành những vấn đề lớn làm ảnh hưởng tới kinh tế và sự ổn định chính trị. Người dân, người lao động trong nền kinh tế đó phải là những con người có phẩm chất đạo đức yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Để có được điều đó công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ ngay từ trong trường học phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, ý thức tuân thủ pháp luật, có kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn. Gánh vác trọng trách lớn lao này vừa là vinh dự vừa là tránh nhiệm nặng nề của mỗi thầy cô giáo đang từng ngày từng giờ giáo dục học trò bằng chính nhân cách của mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi nhà giáo phải luôn ý thức rằng mình là một tấm gương cho học trò soi vào, thầy cô tài năng và đạo đức sẽ giáo dục nên học trò có tài năng và có đạo đức.
Kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày tôn vinh các nhà giáo, hơn lúc nào hết, đòi hỏi đội ngũ giáo giới cả nước phải quyết tâm hơn nữa để bồi dưỡng bản thân về trí tuệ, năng lực, rèn luyện, sửa mình về nhân cách để giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên trở thành những công dân tương lai của đất nước có trí tuệ, biết làm việc và có đạo đức với những giá trị văn hóa cao đẹp của con người Việt Nam.