(Ảnh minh hoạ) Đối tượng dự thi là học sinh đang học tại các trường trung học phổ thông và trung tâm GDNN-GDTX đã hoàn thành chương trình nghề phổ thông và tự nguyện đăng ký dự thi nghề phổ thông đã học. Các thí sinh dự thi có đủ điều kiện dự thi theo hướng dẫn của Bộ GDĐT: Đã học hết chương trình nghề phổ thông theo quy định và có điểm tổng kết nghề phổ thông từ trung bình (5,0 điểm) trở lên; không nghỉ học quá 10% tổng số tiết của chương trình nghề phổ thông. Nội dung thi trong phạm vi chương trình một trong các nghề phổ thông (Nghề Điện dân dụng, Sửa chữa xe máy, Làm vườn, Tin học văn phòng) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Học sinh sẽ hoàn thành 2 bài thi: Bài thi lý thuyết thi theo hình thức tự luận (riêng Nghề Tin học văn phòng thi theo hình thức trắc nghiệm), thời gian làm bài 45 phút, điểm hệ số 1; Bài thi thực hành, học sinh trình bày quy trình và làm sản phẩm, thời gian làm bài tối đa 60 phút, tính đểm hệ số 3. Điểm thi nghề phổ thông là tổng điểm bài thi lý thuyết và bài thi thực hành (sau khi nhân hệ số tương ứng) chia cho 4, kết quả làm tròn đến một chữ số thập phân.
Học sinh đạt điểm thi nghề phổ thông từ 5,0 trở lên, không có bài thi điểm dưới 3,0 thì được công nhận tốt nghiệp và cấp chứng nhận nghề phổ thông theo các loại sau đây: Loại Giỏi (Điểm thi nghề phổ thông đạt từ 9,0 đến 10); loại Khá (Điểm thi nghề phổ thông đạt từ 7,0 đến dưới 9,0; không có điểm bài thi dưới 5,0); loại Trung bình (các trường hợp còn lại). Học sinh được công nhận kết quả thi nghề phổ thông thì được cấp Giấy chứng nhận nghề phổ thông, trong đó ghi rõ kết quả xếp loại Giỏi, Khá hoặc Trung bình. Chứng nhận nghề phổ thông vẫn được sử dụng làm điểm khuyến khích trong việc xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021./.