Báo cáo về kết quả triển khai công tác quản lý chất lượng năm học 2022-2023, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết: Năm học 2022-2023, Bộ GDĐT đã tham mưu ban hành và ban hành theo thẩm quyền 15 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo. Các văn bản được xây dựng nhằm kiến tạo, hoàn thiện hành lang pháp lý minh bạch, bắt kịp thực tiễn, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành, từng bước tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của cơ sở.
Quang cảnh Hội nghị.
Công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá chất lượng diện rộng tiếp tục được Bộ GDĐT quan tâm chỉ đạo; các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện ngày càng đi vào nền nếp, góp phần thực hiện chủ trương đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch. Tính đến ngày 31/5/2023, trên cả nước có tổng 41.526 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông có nhiều cấp học và các cơ sở giáo dục thường xuyên; trong đó, có 40.684 cơ sở hoàn thành tự đánh giá (đạt 98%), 24.899 cơ sở hoàn thành đánh giá ngoài (đạt 60%).
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động đánh giá diện rộng quốc gia và quốc tế. Trong đó, Chương trình Đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh lớp 9, lớp 11 giai đoạn 2022-2023 đã góp phần cung cấp bộ dữ liệu khảo sát khách quan, tin cậy cho hoạch định chính sách các cấp, đề xuất các kiến nghị giúp Bộ GDĐT điều chỉnh các chính sách hiện hành và bổ sung các giải pháp góp phần triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS và THPT.
Trong năm học 2022-2023, Bộ GDĐT đã chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia và dự thi Olympic khu vực, quốc tế an toàn, hiệu quả. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã tổ chức an toàn, đúng quy chế với sự phối hợp đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Trong năm học có 4.589 thí sinh tham dự Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kết quả có 2.238 thí sinh đạt giải. Tính đến tháng 8/2023, 6 đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực đều đạt giải, gồm 7 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương báo cáo tại Hội nghị.
Năm học 2022-2023, hoạt động quản lý chất lượng còn được nhắc tới với công tác chấn chỉnh các hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng cải cách hành chính, chuẩn hóa, tinh gọn.
Đến ngày 15/8/2023, Bộ GDĐT đã ban hành 45 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đối với 06 ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Trung); 11 cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của nước ngoài và 95 lượt cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của Việt Nam với 137 địa điểm thi trên toàn quốc.
Năm học 2023-2024, công tác quản lý chất lượng sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất lượng; chỉ đạo triển khai hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến chất lượng và các hoạt động đánh giá diện rộng chất lượng quốc gia, quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất, tinh gọn và hiệu quả; tiếp tục triển khai các kỳ thi cấp quốc gia an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế;
Tiếp tục chấn chỉnh, chuẩn hóa hoạt động tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ; tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy chế công khai, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; quan tâm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng.
Tại Hội nghị, đại diện Cục A03, Bộ Công an đã báo cáo kết quả công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn các kỳ thi năm 2023 và giải pháp nâng cao hiệu quả năm 2024; các Sở GDĐT trao đổi, đề xuất xung quanh việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT; phương án thi từ năm 2025; công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT; công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ; công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia…
|
Gần 50 ý kiến trao đổi của đại diện các Sở GDĐT tại các phiên thảo luận chuyên đề và toàn thể.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận nỗ lực, cố gắng, sự sâu sát của lãnh đạo, chuyên viên các Sở GDĐT, cùng cộng đồng trách nhiệm với Bộ GDĐT trong công tác quản lý chất lượng và công tác thanh tra, kiểm tra.
Nhấn mạnh “làm quản lý chất lượng phải công khai, công bằng, thực chất, chuẩn hoá”, Thứ trưởng đánh giá cao sự kiên trì trong thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí trong kiểm định chất lượng giáo dục, với quan điểm kiên quyết không hạ chuẩn.
Lý giải kỹ hơn, Thứ trưởng cho hay: Một số địa phương, nhất là các thành phố lớn muốn xin thay đổi các tiêu chuẩn, tiêu chí để đảm bảo việc kiểm định chất lượng giáo dục, “tuy nhiên chúng ta không thể “gọt chân cho vừa giày” mà phải nhìn 5-10 năm tới đạt được các tiêu chuẩn tiêu chí này”, Thứ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh, người được hưởng lợi khi các tiêu chuẩn, tiêu chí về diện tích, trường lớp… được đáp ứng là học sinh, giáo viên; do đó, các Sở GDĐT cần kiên trì, chủ động và có phương pháp trong công tác tham mưu tại địa phương.
Về công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên - một hoạt động của kiểm định chất lượng giáo dục, Thứ trưởng lưu ý: Trong thực hiện, không lấy danh nghĩa khảo sát chất lượng mà kiểm tra quá nặng nề. Kiểm tra, đánh giá là để thúc đẩy chất lượng, với nguyên tắc là gọn nhẹ, không gây áp lực cho học sinh, lãng phí cho gia đình và xã hội.
Một số đề xuất của đại diện Sở GDĐT về công tác quản lý chất lượng liên quan đến tổ chức các kỳ thi như thi học sinh giỏi lớp 9, thi tốt nghiệp THPT, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025… cũng đã được Thứ trưởng trao đổi, làm rõ.
|
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị
Riêng về phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, ngay tại Hội nghị, Bộ GDĐT đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến của lãnh đạo, chuyên viên 63 Sở GDĐT. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đây là việc cực kỳ hệ trọng nên chính các thầy cô phải giúp cho Bộ, chính các thầy cô phải nói lên tiếng nói góp ý và tiếng nói đó mới giúp Bộ tham mưu cho Chính phủ một cách khoa học nhất.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đã có 4 Hội thảo chuyên đề về: Công tác quản lý tổ chức thi; công tác quản lý kiểm định chất lượng giáo dục; công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ; công tác thanh tra, kiểm tra được tổ chức.
Với 54 ý kiến trực tiếp của đại diện các Sở GDĐT được trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng giao Cục Quản lý chất lượng, Thanh tra Bộ tiếp thu tối đa, nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ. “Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở GDĐT cần phản ánh, kết nối tới các đơn vị của Bộ để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo công việc chung đạt hiệu quả”, Thứ trưởng chia sẻ.