Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh được nâng cấp, mở rộng và nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Toàn tỉnh đã có 86 máy chủ, hơn 2000 máy trạm, 100% các cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, cấp xã đạt 10%; Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 82%, cấp xã đạt 14%. Ngoài ra, hạ tầng CNTT phục vụ cho nhu cầu tra cứu thông tin của nhân dân cũng được quan tâm, toàn tỉnh hiện nay có 122 điểm truy cập Internet công cộng; 98/112 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được kết nối internet băng thông rộng (đạt tỷ lệ 87,5%).
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước được xây dựng và kết nối thông suốt từ Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh đến các Sở, Ban, Ngành; Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; 100% các huyện, thị xã, thành phố được kết nối internet tốc độ cao; 26% các xã được kết nối internet.
Một góc trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, thị xã Mường Lay
95% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và 44,4% các cơ quan nhà nước cấp huyện đã được trang bị các phần mềm có chức năng quản lý văn bản và điều hành qua mạng, trên 70% cán bộ được cấp hộp thư điện tử của tỉnh, tỷ lệ cán bộ đã được cấp hộp thư điện tử thường xuyên sử dụng trong công việc với cấp tỉnh, cấp huyện đạt trên 50%, cấp xã 9%.
Thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 1 là 57%, mức độ 2 là 21%, mức độ 3 là 7% và chưa có dịch vụ công mức độ 4. Tỷ lệ cơ quan nhà nước có cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử để phục vụ điều hành, quản lý, cung cấp thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp là 50%. Hệ thống 1 của điện tử cũng đang dần được ứng dụng trong các cơ quan nhà nước với tỷ lệ 21% (6/28 đơn vị). Tỷ lệ cơ quan đã thực hiện các cuộc họp trực tuyến qua mạng ngày càng tăng. Hệ thống giao ban điện tử giữa UBND tỉnh với UBND các huyện, thị xã, thành phố đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả hơn trong việc chỉ đạo điều hành nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Việc đẩy mạnh phát triển, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng được quan tâm đầu tư. Tính đến nay, trên 70% cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CNTT và biết sử dụng máy tính trong công việc. Số lượng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về CNTT năm 2012 đạt 80%.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Thực hiện chủ trương của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thường xuyên quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý giáo dục và dạy học. Các hoạt động lớn về CNTT hàng năm được duy trì, từng bước được nâng cao về chất lượng. Trình độ của đội ngũ cán bộ giáo viên về sử dụng máy tính, thiết kế các bài giảng trình chiếu, bài giảng e-learning, thiết kế các phần mềm, các công cụ hỗ trợ giảng dạy ngày càng cao. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát nhu cầu và tổ chức các lớp tập huấn các nội dung về ứng dụng CNTT cho cán bộ giáo viên toàn ngành. Tổ chức các cuộc thi với quy mô lớn về việc ứng dụng CNTT như: Thiết kế bài giảng elearning, Thi giờ dạy có ứng dụng CNTT, thi thiết kế đồ dùng dạy học… để phát động phong trào lan rộng trong các nhà trường, từng bước nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT trong công việc
Trong báo cáo đánh giá của Ban chỉ đạo ứng dụng và phát triển CNTT có đưa ra các tiêu chí đánh giá và xếp hạng thực tế các mức độ ứng dụng CNTT của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Xếp hạng chung, Sở Giáo dục và Đào tạo đứng thứ 4 trên tổng số 20 sở, ban, ngành được xếp hạng trong tỉnh. Về xếp hạng theo tiêu chí của Sở Giáo dục và Đào tạo: về hạ tầng kỹ thuật CNTT hạng 5/20, về Ứng dụng CNTT hạng 4/20, về Nguồn nhân lực CNTT hạng 17/20 và về Chính sách đầu tư cho ứng dụng CNTT hạng 10/20./.
Nguyễn Hùng Cường – Phòng CNTT&NCKH.