Là một huyện mới được thành lập, sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn nhiều khó khăn nên trong những năm qua Nậm Pồ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Giám đốc và các phòng chuyên môn nghiệp vụ Sở, trong đó có việc tổ chức tư vấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về phương pháp dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục và Mô hình trường học mới Việt Nam.
Do địa bàn huyện rộng, giao thông không thuận lợi nên Đoàn đã tổ chức theo cụm trường ở Tiểu học Phìn Hồ, Chà Cang và Nà Hỳ. Tại mỗi cụm, Phòng Giáo dục và Đào tạo Nậm Pồ đều cử cán bộ chuyên môn cùng tham gia với cán bộ quản lý và giáo viên các trường. Để việc tư vấn, bồi dưỡng có chất lượng, hiệu quả thực chất, tránh hình thức, Sở đã lựa chọn đội ngũ giảng viên có chuyên môn giỏi, nhiều năm kinh nghiệm trong dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục và Mô hình trường học mới Việt Nam để thực hiện các tiết dạy thực hành trên đối tượng học sinh của trường sở tại. Sau tiết dạy, cán bộ quản lý, giáo viên các trường sở tại vận dụng dạy tiết học đó với đối tượng học sinh khác.
Giảng viên dạy thực hành ở cụm trường Tiểu học Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ
Trên cơ sở các tiết giảng, các thành viên tham dự đã trao đổi, thảo luận những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dạy Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục và Mô hình trường học mới Việt Nam. Bằng những kinh nghiệm của mình các đồng chí giảng viên đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, đồng thời hiến kế để các cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện có hiệu quả với đối tượng học sinh của mình.
Buổi trao đổi, thảo luận ở cụm trương Tiểu học Chà Cang, huyện Nậm Pồ sau tiết dạy thực hành
Phát biểu tại buổi thảo luận đồng chí Trưởng đoàn Đỗ Văn Mười – Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lưu ý các thầy cô cần hiểu rõ bản chất, ý nghĩa, cách làm của từng thao tác và ý đồ của sách. Đối với giáo viên dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, các quy trình dạy học cần bám sát thiết kế. Giáo viên phải làm mẫu chuẩn xác, giao nhiệm vụ cho học sinh rõ ràng, phát âm chuẩn; chú ý rèn đều các kỹ năng đọc, viết cho học sinh nhất là đối với học sinh người dân tộc, học sinh ở các điểm trường; giáo viên cần sử dụng triệt để các tín hiệu, ký hiệu đã quy ước với học sinh trong suốt quá trình học. Với dạy học theo Mô hình trường học mới Việt Nam, giáo viên cần phân loại đối tượng học sinh để có biện pháp dạy học, giúp đỡ phù hợp, quan tâm đến các học sinh yếu kém, học sinh khuyết tật hòa nhập; đồng thời, lưu ý thường xuyên thay đổi vị trí chỗ ngồi cho học sinh để tránh các tư thế ngồi không phù hợp với một học sinh trong quá trình học tập.
Học sinh trường Tiểu học Phìn Hồ tự tin trong các hoạt động tập thể
Sau hai ngày làm việc nghiêm túc, Đoàn hỗ trợ chuyên môn cấp tiểu học tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua các hoạt động lên lớp, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm Đoàn đã giúp đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nâng cao năng lực và có thêm kinh nghiệm trong việc thực hiện dạy Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục và Mô hình trường học mới Việt Nam; giúp giáo viên tự tin hơn trong thực hiện các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong công tác dạy và học, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ và những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục và đào tạo.