Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tạo điều kiện của các Sở, ban, ngành, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành, sự vào cuộc của cả cộng đồng, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có bước phát triển vững chắc, toàn diện.
Mạng lưới trường, lớp phát triển đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn tỉnh; quy mô học sinh phát triển nhanh ở cấp học mầm non, phát triển ổn định ở các cấp học còn lại; đội ngũ giáo viên khá đồng bộ về cơ cấu và có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trên chuẩn cao; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên; cơ sở vật chất trường lớp học từng bước được cải thiện; tỉnh đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ mức độ I, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II, phổ cập giáo dục THCS mức độ I và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
Ảnh 1. Lễ khánh thành trường mầm non tư thục Rainbow - Thành phố Điện Biên Phủ
Tuy nhiên, hiện nay ngành Giáo dục và Đào tạo còn gặp không ít khó khăn thách thức trong quá trình phát triển như: Thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non; thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường còn thấp, đặc biệt là tỷ lệ huy động dân số 0-2 tuổi học nhà trẻ. Nghị quyết số 14/NQ-TU ngày 20/11/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế tỉnh Điện Biên đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020: tỉ lệ huy động trẻ 0-2 tuổi ra lớp đạt 50%. Tuy nhiên tính đến thời điểm 30/9/2016, toàn tỉnh mới huy động được 21,5% số trẻ 0-2 tuổi ra lớp. Trong đó, trẻ mầm non ra lớp nói chung và đặc biệt là số trẻ nhà trẻ huy động ra lớp vẫn chủ yếu ở các trường mầm non công lập. Tính đến ngày 25/10/2016, toàn tỉnh có 3 trường mầm non tư thục với 268 trẻ; 04 nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục với 41 trẻ. Tổng số trẻ ngoài công lập là 309/51.111 trẻ chiếm 0,6% số trẻ ra lớp; trong đó số trẻ nhà trẻ ngoài công lập ra lớp là 140/8.497 trẻ chiếm 1,6%.
Việc đưa trẻ nhà trẻ ra lớp có ý nghĩa rất lớn, giúp cha mẹ trẻ yên tâm công tác, tham gia sản xuất, phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội; trẻ ra lớp được học tập, sinh hoạt điều độ, khoa học, có nền nếp theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; đặc biệt đối với một tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Điện Biên, việc trẻ ra lớp từ độ tuổi nhà trẻ giúp trẻ được tiếp xúc sớm hơn và thời gian dài hơn với tiếng Việt trước khi vào lớp 1, điều đó có ý nghĩa rất lớn trong việc chuẩn bị tiếng Việt, tạo nền tảng cho trẻ tự tin hơn khi bước vào chương trình giáo dục phổ thông ở các bậc học tiếp theo.
Để nâng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu và triển khai nhiều biện pháp tích cực: Ngành tham mưu với chính quyền đưa các chỉ tiêu phát triển mạng lưới trường, lớp, tỉ lệ huy động trẻ các độ tuổi ra lớp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương theo từng năm. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh rà soát việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, phối hợp với chính quyền các địa phương, già làng, trưởng bản tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh; cử cán bộ, giáo viên đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ ra lớp; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho trẻ; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; tăng tỉ lệ trẻ bán trú tại trường... Cùng với sự quan tâm đầu tư kinh phí của tỉnh, các địa phương đã huy động các nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa mở thêm phòng học, tham mưu bổ sung biên chế giáo viên, chuẩn bị tốt các điều kiện mở thêm nhóm trẻ. Nhằm duy trì sĩ số trẻ đến trường, ngành giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng môi trường học tập và vui chơi thân thiện, an toàn cho trẻ; tạo sự gắn bó giữa trẻ với cô giáo và trường lớp. Trong các hoạt động lớn của nhà trường như ngày lễ, hội, hội thi… nhà trường đều mời phụ huynh tham gia để tăng cường mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc nuôi dạy trẻ.
Bằng nhiều biện pháp tích cực, người dân vùng cao đã hiểu được ích lợi của việc đưa con đến lớp. Tại một số điểm trường lẻ, dù đường xa và đi lại khó khăn nhưng nhiều phụ huynh vẫn đưa đón con đến lớp. Có nơi phụ huynh tình nguyện thay nhau đến giúp giáo viên nấu bữa trưa cho trẻ, hoặc một nhóm hộ dân phân công nhau luân phiên mang cơm đến lớp cho trẻ. Ngày càng có thêm nhiều phòng học mới được xây dựng từ sự phối hợp, đóng góp kinh phí và công sức của người dân. Do được nhân dân đồng tình ủng hộ, cấp ủy, chính quyền quan tâm và tạo điều kiện nên tỷ lệ trẻ em ra lớp năm sau cao hơn năm trước. Đến nay toàn tỉnh có 172 trường mầm non; tỷ lệ huy động trẻ từ 0 đến 2 tuổi ra lớp đạt 22,5%; tỷ lệ trẻ từ 3 đến 5 tuổi ra lớp đạt 98,7%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,2%. Những tiến bộ rõ rệt của trẻ em khi đến trường đã giúp người dân tin tưởng hơn, tích cực đưa con đi học.
Trong thời gian tới, để phấn đấu đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra về công tác huy động trẻ ra lớp, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, chúng ta cần tập trung
thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, phát triển các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục
Thực tế cho thấy rất nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ để đi làm, trong khi đó trường lớp mầm non công lập không thể đáp ứng đủ nhu cầu vì thiếu phòng học, giáo viên, cơ sở vật chất... Nhiều nơi phụ huynh phải thuê người giúp việc đến trông trẻ với chi phí khá cao trong khi họ không có chuyên môn về nuôi dạy trẻ, cá biệt có trường hợp bạo hành trẻ. Trong khi đó cũng rất nhiều sinh viên sư phạm mầm non ra trường không có việc làm, nhiều giáo viên mầm non nghỉ hưu đi làm việc khác. Với những địa phương điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, việc xây dựng trường mầm non tư thục không dễ thực hiện vì phải đầu tư lớn về cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị dạy học, đội ngũ... thì việc thành lập các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là phương án có tính khả thi cao hơn. Để làm được điều này, các địa phương cần tiến hành:
Rà soát, thống kê số sinh viên đã tốt nghiệp các khóa đào tạo giáo viên mầm non nhưng chưa có việc làm, số giáo viên mầm non đã nghỉ hưu có sức khỏe, tâm huyết, có nhu cầu trông trẻ. Vận động sinh viên tốt nghiệp Trung cấp, CĐSP Mầm non chưa có việc làm khởi nghiệp, tạo dựng việc làm đúng chuyên môn cho bản thân. Tổ chức hướng dẫn, vận động và tạo điều kiện thuận lợi nhất để số giáo viên này hoặc giáo viên nghỉ hưu cộng tác với sinh viên đã tốt nghiệp sư phạm mầm non mở các lớp, nhóm trẻ độc lập tư thục hoặc tham gia giảng dạy tại các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Khảo sát số trẻ trên địa bàn chưa ra lớp, đặc biệt quan tâm đến trẻ 0-2 tuổi, nhu cầu đưa trẻ ra lớp của phụ huynh, phân vùng tuyển sinh; tuyên truyền vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường. Xác định rõ địa bàn nào có thể phát triển các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục để có giải pháp thúc đẩy phát triển.
Các cơ quan chuyên môn cần tích cực tuyên truyền rộng rãi, hướng dẫn cụ thể về điều kiện và quy trình thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục cho đối tượng có nhu cầu mở lớp.
UBND xã, phường, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng đăng ký mở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục về địa điểm mở lớp, phòng học và các điều kiện xây dựng cơ sở vật chất theo quy định.
Đối với địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, việc đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất để mở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là rất khó, khả năng đóng góp kinh phí của cha mẹ hạn chế, UBND xã, phường, thị trấn tạo điều kiện cho đối tượng mở lớp sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của địa phương để làm phòng học như: địa điểm nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn/ bản, thuê nhà dân hoặc vận động phụ huynh làm phòng học theo mô hình "ba cứng"; khuyến khích phụ huynh tham gia làm đồ dùng- đồ chơi cho trẻ, nhất là các đồ chơi ngoài trời như xích đu, cầu trượt, bập bênh...
Vấn đề đặt ra là khi địa phương hoặc phụ huynh có sự hỗ trợ về phòng học thì mức thu học phí đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục như thế nào?
Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nguyên tắc xác định học phí, đó là: Mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thuộc cơ sở giáo dục ngoài công lập do đó mức thu học phí sẽ do cơ sở tự xác định, tuy nhiên do có sự hỗ trợ của địa phương nên chính quyền địa phương cùng phòng Giáo dục và Đào tạo cần có sự tư vấn để chủ nhóm, lớp xây dựng dự toán mức thu phù hợp với điều kiện thực tế ở địa bàn.
Ảnh 2. Nhóm trẻ Phương Nam Thành phố Điện Biên Phủ
Hai là, khuyến khích phát triển trường mầm non tư thục
Bên cạnh việc khuyến khích phát triển các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục quy mô nhỏ, phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trường mầm non tư thục, đảm bảo các quy định hiện hành.
Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND các huyện, thị xã, thành phố các nội dung cam kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục sẽ được hỗ trợ và giải quyết kịp thời các chính sách về đất đai, thủ tục thành lập… theo quy định của pháp luật.
Ảnh 3. Hoạt động ngoài trời của các cháu trường Mẫu giáo SOS huyện Điện Biên
Ba là, hướng dẫn để các cơ sở GDMN ngoài công lập được cấp phép hoạt động đúng quy định
Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra, khảo sát nắm tình hình cụ thể đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục để có hướng chỉ đạo phù hợp. Cụ thể:
Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đã được cấp phép: Kiểm tra các điều kiện hoạt động; tư vấn, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; tạo điều kiện thuận lợi theo đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước để các cơ sở này phát triển bền vững theo đúng quy định hiện hành; tránh gây phiền hà, sách nhiễu cơ sở;
Đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục chưa được cấp phép: Kiểm tra các điều kiện hoạt động của cơ sở. Nếu đảm bảo điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tư vấn cho chủ cơ sở làm văn bản đăng ký hoạt động gửi UBND cấp xã để được cấp phép hoạt động theo quy định. Nếu không đảm bảo điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì yêu cầu cơ sở dừng hoạt động và tư vấn cho cơ sở hoàn thiện các điều kiện để được cấp phép theo quy định (xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho trẻ, tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ,...).
Bốn là, nâng cao chất lượng chuyên môn đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập
Phòng Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập cụ thể có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập về phương pháp quản lý, về chuyên môn. Chỉ đạo các cơ sở GDMN quán triệt đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, chủ trường, chủ nhóm, lớp và đội ngũ giáo viên, nhân viên về ý thức trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho các chủ trường, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập về: chuyên môn, nghiệp vụ; công tác quản lý; chăm sóc sức khỏe cho trẻ; vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống cháy nổ, phòng chống tai nạn thương tích; về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.
Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND cấp huyện triển khai thực hiện chế độ hỗ trợ cho học sinh, giáo viên mầm non ngoài công lập theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/3/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015 và các văn bản của Chính phủ, của tỉnh về việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách này
Phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các lực lượng xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non. Quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các bậc phụ huynh, góp phần huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, nhất là trẻ nhà trẻ trong điều kiện các trường mầm non công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu chính là thực hiện chủ trương đó. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, giáo dục mầm non ngoài công lập của tỉnh sẽ phát huy tiềm năng, phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của giáo dục tỉnh nhà trong thời gian tới./.