Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình này đã phát huy hiệu quả tính tích cực, nâng cao kết quả học tập của học sinh. Bên cạnh đó còn tạo sự tự tin cho các em trong quá trình giao tiếp, ứng xử. Đồng thời, thay đổi cách dạy, học truyền thống của học sinh và giáo viên nhằm phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục trong thời đại hiện nay.
Trong một thời gian ngắn, với sự tích cực chủ động của Ban quản lý Dự án Sở Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô giáo, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của các tổ chức hữu quan, Dự án VNEN cơ bản đã hoàn thành được những mục tiêu ban đầu đề ra. Các nhà trường triển khai VNEN đã có những đổi mới, không khí học tập, quan hệ các đối tác trong và ngoài trường bước đầu được cải thiện, hướng về người học, hướng về phát triển năng lực của học sinh.
Trang trí lớp học theo mô hình VNEN - Trường Tiểu học số 2 Noong Luống
Điều thay đổi lớn nhất mà dự án tạo ra chính là một phương pháp dạy và học mới với việc học sinh tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học. Đối với các lớp VNEN, ta không còn gặp một không gian lớp học được kê theo hai, ba dãy bàn từ trên xuống như trước mà chia theo từng nhóm, học sinh ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học. Ở giữa bàn sẽ có một thẻ “cứu trợ”, đó là thẻ được sử dụng khi các em chưa hiểu hoặc chưa biết cách làm để báo hiệu cho thầy cô đến giúp đỡ. Cuối mỗi lớp còn có thư viện lớp học với đủ tài liệu các môn để học sinh tham khảo.
Ngoài ra, trong lớp còn có góc đồ dùng học tập, góc cộng đồng, góc trưng bày sản phẩm... tạo nên một môi trường học tập mới mẻ, gần gũi. Quản lý và điều hành lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh” được các em bầu ra khi bắt đầu bước vào năm học. Đây là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập. Học sinh còn có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng quản lý, bao quát, lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động. Mỗi học sinh “Trường học mới - VNEN” khi đến trường luôn có ý thức được mình phải bắt đầu và kết thúc hành động như thế nào mà không chờ đến sự nhắc nhở của giáo viên, tránh sự thụ động trong dạy và học, góp phần đẩy mạnh sự phát triển trong công tác giáo dục của trường.
Giờ học Toán theo mô hình VNEN ở lớp 3 trường Tiểu học số 1 Sam Mứn
Với tài liệu học tập “Ba trong một” gồm: Sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh tự học thành một tài liệu chung (sách dành cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh), học sinh có thể rèn thói quen tự học, tự đánh giá, tự quản lý thời gian, tự thực hành và ứng dụng. Trong giờ học, giáo viên không giảng bài một chiều mà làm nhiệm vụ hướng dẫn, nhóm trưởng mỗi nhóm có nhiệm vụ triển khai nội dung học tập và tổ chức thảo luận nhóm. Mỗi nhóm có một bảng đo tiến độ thường xuyên dùng để đo sự tiến bộ của mỗi học sinh qua từng ngày và tạo ra sự thi đua giữa các nhóm. Có một điều khá thú vị là với Mô hình VNEN là phụ huynh có thể đến dự giờ với lớp bất cứ lúc nào. Tất cả những thay đổi này đều làm tăng tính tương tác giữa giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh, nhà trường - gia đình.
Nhờ áp dụng phương pháp dạy học mới, học sinh được trao đổi nhiều hơn, vốn tiếng Việt của các em cũng tăng lên rõ rệt, từ đó dần hình thành kỹ năng giao tiếp cho các em. Đây là một trong những biểu hiện rõ nét về thành công bước đầu của Dự án VNEN.
Năm học 2012- 2013, tỷ lệ xếp loại học lực học sinh lớp 2, lớp 3 của 68 trường tham gia Dự án VNEN trên tổng số học sinh lớp 2, lớp 3 toàn tỉnh là: Lớp 2 học lực giỏi có 588/12.713 em đạt 4,6%, khá 1.629/12.713 em đạt 12,8%, trung bình 2.409/12.713 em đạt 18,9% và loại yếu có 216/12.713 em chiếm 1,6%. Lớp 3 học lực giỏi có 552/12.208 em đạt 4,5%, khá 1.436/12.208 em đạt 11,8%, trung bình 2.479/12.208 em đạt 20,3% và loại yếu 216/12.208 em chiếm 1,7%.
Học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thanh Hưng đón học sinh lớp 1 vào trường trong ngày khai giảng
Để đạt được những kết quả trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động trong việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên tham gia lớp học của Dự án. Khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất (góc học tập bộ môn, giáo cụ trực quan của một số môn học) các thầy, cô đã chủ động thiết kế đồ dùng dạy học phục vụ tốt hơn cho bài giảng.
Qua một năm triển khai thí điểm mô hình này tại 68 trường trong tỉnh, báo cáo của các trường tham gia VNEN đều có chung một đánh giá: Học sinh tự tin, không khí lớp học tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện; giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn, chất lượng giáo dục bước đầu cải thiện tốt hơn. Ngoài đồ dùng học tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên còn tăng cường sưu tầm và tự làm đồ dùng dạy học, đảm bảo cho học sinh thao tác, thực hành. Trong quá trình lên lớp, giáo viên chú ý quan sát theo dõi, giúp đỡ các em quy trình thao tác, thực hành trong từng bài học. Kết hợp hợp lý giữa tự đánh giá của học sinh với đánh giá của nhóm, đánh giá của giáo viên và đánh giá phụ huynh học sinh.
Có thể thấy, thực hiện dạy học theo chương trình Dự án VNEN, với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm thực sự phát huy được sự sáng tạo, tính chủ động, tích cực trong tiếp thu kiến thức, đã tạo sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, phát triển tiếng Việt, đặc biệt là cho trẻ em dân tộc.
Năm học 2013- 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhân rộng mô hình trường Tiểu học mới với 35 trường áp dụng hoàn toàn (phương pháp dạy học và tổ chức lớp học), 72 trường áp dụng một phần mô hình mới. Hy vọng rằng, với kết quả đã đạt được qua một năm thực hiện chúng ta hãy phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, sự vào cuộc xã hội hóa giáo dục của các cấp ủy, chính quyền địa phương, quan tâm tới sự phát triển của giáo dục, đưa mô hình trường Tiểu học mới Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển giáo dục toàn diện nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng./.
Phạm Thị Thu Hà - Tư vấn Dự án VNEN - Sở Giáo dục và Đào tạo