Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những kết quả và tuyên dương các địa phương, đơn vị cơ sở đã chủ động, sáng tạo trong xây dựng và tổ chức triển khai các mô hình đổi mới GDTX hiệu quả. Nhận thức về GDTX được nâng lên, xã hội học tập đang dần được hình thành, quy mô, mạng lưới GDTX tiếp tục được củng cố và phát triển. Thứ trưởng nhấn mạnh “Một năm học có nhiều biến động nhưng chúng ta đã quản lý sự thay đổi, điều chỉnh thực hiện các nhiệm vụ đúng kế hoạch, đặc biệt tổ chức kỳ thi đảm bảo yêu cầu, khách quan, công bằng, an toàn trong bối cảnh nhiều thách thức”.
Năm học 2019-2020, hệ thống mạng lưới cơ sở GDTX tiếp tục được phát triển đáp ứng nhu cầu học thường xuyên, học tập suốt đời của người dân. Tổng số cơ sở GDTX là 16.652 trung tâm, trong đó, 71 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 574 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 5.582 trung tâm ngoại ngữ - tin học, tăng 1.608 trung tâm so với năm học 2018-2019; 9.786 trung tâm học tập cộng đồng; 641 cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống; 12.552.909 lượt người đã tham gia học tập các chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm GDTX, hơn 1.618.131 lượt người học ngoại ngữ và tin học ứng dụng; hơn 120.747 lượt người tham gia học nghề ngắn hạn; hơn 44.392 người học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; trên 260.708 học viên tham gia học chương trình GDTX cấp THCS, THPT; gần 223.320 lượt người tham gia bồi dưỡng thường xuyên,; 2.361.329 người học giáo dục kỹ năng sống; 38.534 người học học liên kết đào tạo, 31.110 cán bộ cống chức được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.
Chất lượng thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên được nâng cao, trong đó chất lượng của học viên học Chương trình GDTX cấp THPT tiếp tục ổn định, tỷ lệ học viên đỗ tốt nghiệp THPT đạt 92.54%, tăng đáng kể so với năm học trước. Các cơ sở GDTX đã chú trọng đa dạng hoá nội dung chương trình GDTX và phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, góp phần nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động.
Năm 2019 đánh dấu bước đột phá trong việc hoàn thiện khung pháp lý, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của GDTX, thông qua sự ra đời của một loạt các văn bản pháp lý quan trọng. Đặc biệt, Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020 đã phản ánh những thay đổi mang tính chiến lược về phạm vi, tính chất, quyền hạn và sứ mệnh của GDTX trong giai đoạn mới. Luật quy định, hệ thống giáo dục Việt Nam là một hệ thống giáo dục mở, liên thông, bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, trong đó, cấu trúc giáo dục thường xuyên là một hệ thống song hành cùng giáo dục chính quy.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban GDTX của Hội đồng Quốc gia giáo dục nhấn mạnh: “Làm thế nào để mỗi người Việt Nam trở thành một công dân học tập, học vì công việc chứ không phải vì cái bằng. Nên cho GDTX “nhúng” vào môi trường số, để ai cũng có thể học được. Cần cái gì, người ta học cái đó. Làm thế nào để GDTX giúp người dân sử dụng thiết bị thông minh để học tập mọi lúc, mọi nơi. Làm được như vậy, với tư cách là nơi cung ứng dịch vụ, tôi nghĩ GDTX sẽ hấp dẫn hơn nhiều”.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Giáo dục thường xuyên đã hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục thường xuyên. Các đại biểu dự hội nghị đã được nghe các báo cáo tham luận của Sở GDĐT Hà Nội, Hải Phòng, trung tâm GDTX tỉnh Nghệ An, Đại học Mở Hà Nội; trao đổi, thảo luận, giải trình các vấn đề địa phương quan tâm; góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, Thông tư quy định quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh GDTX cần xác định mục tiêu lớn nhất là xây dựng xã hội học tập, trong đó bao gồm nhiệm vụ xoá mù chữ, phổ cập giáo dục, nâng cao nhận thức để mỗi người dân đều có trách nhiệm học tập. Là cơ sở giáo dục công lập, trung tâm GDTX có trách nhiệm tạo cơ hội để những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được học tập. Năm học 2020-2021 là năm “bản lề” để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiệm vụ quan trọng của GDTX là đổi mới, nâng cao chất lượng. GDTX cần bám sát, chuẩn bị cho quá trình đổi mới, từ định hướng, phương pháp dạy học, cách đánh giá đến quản lý, tổ chức, để hoạt động dạy học đáp ứng hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học viên. Các địa phương còn có khó khăn, lúng túng thực hiện đổi mới GDTX cần tích cực chủ động, nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019 để triển khai phù hợp trong điều kiện cụ thể. Bộ GDĐT sẽ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Đây cũng là bước chuyển tiếp, thực hiện nhiệm vụ tiếp theo của Quyết định số 89/QĐ-TTg về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”. Thứ trưởng cũng đề nghị GDTX triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư số 22/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 của Bộ GDĐT về hướng dẫn đánh giá, xếp loại “Đơn vị học tập”. Từ đó có cơ sở pháp lý đầy đủ để công nhận xã, phường học tập, quận, huyện học tập, tỉnh thành học tập, đất nước học tập. GDTX phải tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, chú trọng bồi dưỡng giáo viên dạy văn hóa. Việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và bồi dưỡng thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thể tổ chức bồi dưỡng cùng với giáo viên phổ thông. Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT trực tiếp quản lý các trung tâm GDTX, phối hợp với ban ngành liên quan triển khai tốt nhiệm vụ đề ra, khuyến khích thí điểm mô hình mới, hiệu quả.