Kết quả thi của thí sinh sẽ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và là một căn cứ quan trọng để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Trong năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong từ thứ 3 đến thứ 6 các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6/2015
Bộ GD-ĐT quyết định: mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo;
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của Kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường. Như vậy sẽ không còn khối thi truyền thống như trước đây.
Thí sinh cũng có nhiều hơn cơ hội để tuyển sinh vào các ngành, trường khác nhau tùy thuộc vào số lượng môn thi thí sinh lựa chọn.
Với những học sinh, học viên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý: thi tự luận, thời gian thi 180 phút; các môn vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ: thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. Đề thi đánh giá thí sinh ở bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Đặc biệt, trong kỳ thi chung 2015, môn Ngoại ngữ có khá nhiều điểm mới. Cụ thể, đề thi môn Ngoại ngữ năm 2015 sẽ quay trở lại cấu trúc như cũ với hình thức trắc nghiệm (thời gian 90 phút) mà không còn câu hỏi viết luận như 2014.
Trong kỳ thi chung quốc gia, những thí sinh nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (TOEFL, IELTS,...) được miễn thi tốt nghiệp môn này, còn các chứng chỉ khác sẽ được nêu rõ trong quy chế (Bộ GD-ĐT sẽ ban hành trong thời gian tới.
Học sinh THPT đang trao đổi về kỳ thi Quốc gia năm 2015
Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT những năm trước có thể đăng ký dự thi hoặc là chỉ để được xét công nhận tốt nghiệp hoặc với mục đích vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký môn thi tùy theo mục đích dự thi.
Thí sinh tự do đã có bằng tốt nghiệp THPT rồi, nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chỉ đăng ký thi những môn mình lựa chọn để xét tuyển vào các ngành, trường tương ứng, không nhất thiết phải thi các môn bắt buộc nếu các môn đó không phục vụ cho xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà các em lựa chọn.
Điểm khác biệt ở kì thi năm tới là thí sinh sẽ không phải đăng ký tuyển sinh vào các ngành đào tạo, các trường trước khi diễn ra kì thi.
Sau khi tham gia kì thi quốc gia và có kết quả thi, thí sinh căn cứ vào yêu cầu của các trường, các ngành đào tạo ( công bố trên website của các trường) và kết quả thi của mình để đăng kí dự tuyển vào địa chỉ phù hợp.
Việc này sẽ tránh cho thí sinh phải chịu rủi ro cao, không bỏ sót những thí sinh có kết quả điểm thi tốt nhưng đăng kí vào ngành quá sức của mình.
Để đảm bảo tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi sẽ bố trí tổ chức coi thi, chấm thi theo các Cụm thi tập trung. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.
Các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của Kỳ thi để tuyển sinh, sẽ dự thi tại các Cụm thi tại địa phương do các Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ.
Các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các Cụm thi ở các trường ĐH do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GDĐT.
Các cụm thi dành cho thí sinh có nguyện vọng tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ được tổ chức như các cụm thi của kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ “Ba chung” trước đây.
Những thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương tuy không được sử dụng kết quả của kì thi quốc gia để xét tuyển ĐH-CĐ nhưng vẫn có thể được phép tham dự các kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ của các trường có phương án tuyển sinh riêng.
Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.
Các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của Kỳ thi để tuyển sinh, sẽ dự thi tại các Cụm thi tại địa phương do các Sở GD- ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ; còn với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các Cụm thi ở các trường ĐH (tương tự như các Cụm thi ĐH năm 2014) do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GD- ĐT.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quý chế tuyển sinh Với nhiều thay đổi lần đầu tiên áp dụng cho kỳ tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đang xây dựng mới toàn bộ quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, chứ không chỉ làm thao tác bổ sung, sửa đổi như nhiều năm “ba chung” vừa qua.
Trong quy chế mới, Bộ GD-ĐT sẽ xác lập rất rõ những yêu cầu đối với những trường ĐH chủ trì cụm thi. Quy mô các cụm thi sẽ tổ chức cho khoảng 30.000-40.000 thí sinh dự thi/cụm thi.
Các trường ĐH chủ trì cụm thi sẽ phải là những trường ĐH uy tín, lâu năm, có đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất. Với lượng thí sinh thực tế dự thi ĐH hiện nay, dự kiến cả nước sẽ có 20-30 cụm thi thay cho số lượng bốn cụm thi hiện nay.
Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM dự kiến có thể hình thành nhiều cụm thi để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của lượng lớn thí sinh có nguyện vọng thi vào các trường ĐH.
Kết quả của kì thi quốc gia có thể được sử dụng như căn cứ duy nhất hoặc một trong những căn cứ quan trọng để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh.
Như vậy, tùy theo yêu cầu đào tạo, đặc thù riêng của các trường, ngành đào tạo, có thể tổ chức các kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kết quả của kì thi quốc gia ( hình thức phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, bài viết luận, xét học bạ ở bậc phổ thông....).
Ngoài ra, các trường có phương án tuyển sinh riêng ( trình và được Bộ GD-ĐT đồng ý) có thể tổ chức kì thi riêng, lấy kết quả xét tuyển.
Các trường đại học sẽ công bố phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia (công bố môn thi sử dụng để xét tuyển vào từng ngành). Nếu một trường đại học những năm trước tuyển sinh khối A thì năm nay bên cạnh việc có thể sử dụng các tổ hợp môn khác để xét tuyển, trường vẫn phải sử dụng tổ hợp ba môn cũ ví dụ năm trước khối A là toán, lý, hóa để xét tuyển.
Trước ngày 1-1 hằng năm, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn.
Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.
Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế.
Bộ GD-ĐT vẫn giữ quy định về “ngưỡng tối thiểu” để các trường làm căn cứ xét tuyển. Tuy nhiên, thay vì ngưỡng tối thiểu (điểm sàn) với từng khối thi như trước đây thì bộ lại đặt ra “ngưỡng tối thiểu” với từng môn thi. Điều khiến nhiều trường, đặc biệt là các trường tốp dưới, lo ngại là trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia không tuyển đủ.
Bài toán đặt ra với Bộ GD-ĐT là nếu đặt ra ngưỡng từng môn quá thấp thì dư luận sẽ đánh giá tiêu chí xét tuyển “bất thường”, còn đặt mức cao hơn thì sẽ gây khó cho nhiều trường trong xét tuyển.
“Bộ đã lường trước những khó khăn này, nhưng nếu buông điều kiện tối thiểu sẽ không thể đảm bảo chất lượng nếu một số trường cố vớt vát tuyển sinh bằng mọi giá.
Đúng là với khối thi thì điểm số các môn có thể bù trừ cho nhau, miễn là thí sinh đạt ngưỡng điểm sàn mà bộ quy định chung cho tổng điểm ba môn.
Nhưng với việc đặt ngưỡng cho từng môn thi năm 2015, bộ sẽ không ấn định điểm số cụ thể mà căn cứ trên tỉ lệ thí sinh đạt được mức điểm số nhất định” - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Khác với những mùa thi trước, ở kỳ thi THPT quốc gia sau khi có kết quả, thí sinh sẽ đăng ký vào các trường trên cơ sở yêu cầu cụ thể. Một thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phụ thuộc điều kiện do các trường quy định (công bố trước ngày 1/1/2015).
Trước đây khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Với thay đổi này, Bộ GD-ĐT hy vọng tình trạng thí sinh ảo sẽ giảm bớt.
Bộ cũng sẽ chỉnh sửa phần mềm tuyển sinh cho phù hợp, để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trên mạng.
“Hết thời” giấy báo điểm
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với phương thức tuyển sinh mới, thí sinh không phải chờ đợi các trường gửi giấy chứng nhận kết quả thi, rồi phiếu báo điểm có dấu đỏ, mà chính các em có thể in trực tiếp kết quả thi của mình từ Internet để đăng ký xét tuyển các trường ĐH. “Ngược lại, chính các trường ĐH cũng có thể tra cứu kết quả này của từng thí sinh vì Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục sẽ tập hợp và công bố công khai trên mạng”
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Đề thi của Kỳ thi THPT quốc gia, trong những năm đầu có cấu trúc tương tự như đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014: bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, có 2 phần (phần kiểm tra kiến thức cơ bản dùng để xét tốt nghiệp THPT và phần nâng cao để sàng lọc thí sinh trong tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng chiếm) và từng bước tăng cường đánh giá năng lực xử lý các vấn đề thực tế của học sinh.
Các môn: Toán, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý được ra theo hình thức tự luận; các môn còn lại ra theo hình thức trắc nghiệm.
Đề thi sẽ tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở yêu cầu thí sinh sử dụng kiến thức tổng hợp trong từng môn học, kiến thức liên môn và hiểu biết xã hội, kỹ năng sống để trả lời. Với định hướng này, các môn thi sẽ chuyển dần thành các bài thi tổng hợp, tích hợp một cách có lộ trình, phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường.
Bộ GDĐT sẽ thành lập cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện, phát triển ngân hàng câu hỏi thi để xây dựng đề thi cho Kỳ thi THPT quốc gia.
Cùng với việc đổi mới chương trình-SGK phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá ở bậc phổ thông, kì thi quốc gia cũng sẽ có những điều chỉnh tiếp ở các năm sau. Theo đó dự kiến từ năm 2017 (Tức là học sinh lớp 10 bây giờ), sẽ chuyển từ các môn thi sang các bài thi. Các bài thi sau này sẽ gồm các phần được thiết kế theo hướng tổng hợp, lồng ghép dần (ví dụ: trong bài thi Toán sẽ có phần nội dung về Tin học, trong bài thi Ngữ văn có có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, trong bài thi Vật lý có kiến thức về Hóa học, Sinh học....) để đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.