ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đang tập trung thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể như: Tăng tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra trường mẫu giáo đạt 98%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 99,6%; Trẻ 6- 10 tuổi tới trường Tiểu học đạt 99,5%; trẻ 11-14 tuổi vào học THCS đạt 95%; trẻ 15- 18 tuổi vào học THPT đạt 70%; Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học trên 99% tốt nghiệp THCS đạt trên 99,5%; tốt nghiệp THPT đạt trên 97%. Có trên 60% trường đạt chuẩn quốc gia. Phấn đấu xây dựng Đại học Điện Biên, trong thời gian vừa qua, ngành đã triển khai cụ thể, đồng bộ từng lĩnh vực với các giải pháp cụ thể như:
Một: Tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh toàn ngành về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, dạy nghề theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và Kế hoạch của UBND tỉnh nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về đổi mới giáo dục và đào tạo; để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tạo sự đồng thuận cao, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình.
Hai. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trên cơ sở mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo. Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của từng cơ sở giáo dục và đào tạo; là căn cứ để giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo. Đổi mới công tác tuyển dụng giáo viên giảng dạy ở các cấp học theo hướng thi tuyển để lựa chọn những giáo viên có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với từng cấp học theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được phê duyệt. Tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa vào hoạt động giáo dục trong các nhà trường.
Ba. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Thực hiện tốt việc tổ chức thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành, nghề đào tạo. Đánh giá kết quả đào tạo theo hướng chú trọng năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật, đổi mới kiến thức; đạo đức nghề nghiệp; năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; năng lực thực hành, năng lực tổ chức và khả năng thích nghi với môi trường làm việc. Tăng cường kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo; công khai kết quả kiểm định. Kiểm định cơ sở giáo dục, đào tạo công lập và ngoài công lập.
Bốn. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, làm tốt công tác phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, của đất nước và xu thế phát triển giáo dục của thế giới. Tập trung thực hiện tốt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh đến năm 2025 định hướng 2030, sắp xếp hợp lý mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa bàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án về chống mù chữ, phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020 và Đề án Xây dựng xã hội học tập ở Điện Biên nhằm tạo ra mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo chất lượng và rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Năm. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo ngành, lĩnh vực đào tạo, nhất là về công tác nhân sự, tài chính, nhiệm vụ chuyên môn của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Phát huy vai trò hiệu quả quản lý nhà nước về chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục, đào tạo đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Phát huy vai trò của công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo. Đổi mới cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin trong quản lý giáo dục, đào tạo theo hướng liên thông, kịp thời, không trùng lắp, chồng chéo. Thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục, đào tạo; nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý; cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường. Thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý các cấp; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh tra giáo dục. Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra. Tập trung thanh tra có chiều sâu công tác quản lý và thanh tra chuyên ngành ở các cấp học; tăng cường công tác tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục, đào tạo, đồng thời nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho thanh tra viên và công tác viên.
Sáu. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Hoàn thành việc xây dựng, tổ chức triển khai Quy hoạch nhân lực ngành giáo dục đến năm 2020 phù hợp với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI, đảm bảo sự phù hợp với các quy định của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và đào tạo và đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với vị trí việc làm, đảm bảo sự cân đối, hợp lý về số lượng, chất lượng giữa các cấp học, giữa các vùng miền trên phạm vi toàn tỉnh. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng và triển khai Đề án đào tạo giáo viên chất lượng cao để giải quyết những vấn đề bất cập về chất lượng đội ngũ nhà giáo của tỉnh hiện nay. Nghiên cứu đổi mới công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan quản lý giáo dục theo hướng thi tuyển công khai, minh bạch đối với từng vị trí việc làm. Triển khai chế độ hợp đồng thay thế cho biên chế trong tuyển dụng và sàng lọc giáo viên. Ưu tiên đội ngũ nhà giáo cho các huyện miền núi, vùng có diều kiên kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để đảm bảo việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng miền núi và dân tộc. Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong tỉnh.
Bảy. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Điều chỉnh học phí theo lộ trình phù hợp, thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc diện ưu tiên. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục vùng đặc biệt khó khăn và học sinh dân tộc, đặc biệt là hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Đầu tư xây dựng hệ thống nhà nội trú, bán trú cho học sinh vùng cao. Thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên. Thực hiện Đề án xây dựng thêm các Trường THPT; Xây dựng Đề án và tham mưu các cấp có thẩm quyền để thành lập trường Đại học Điện Biên. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học gắn liền với nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; có chính sách hỗ trợ hợp lý để có mặt bằng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt là các trường ở khu vực vùng cao, đô thị.
Tám. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý. Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
Chín. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo. Các cơ sở giáo dục vùng thuận lợi tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo thế của nhà trường và từng bước tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới.
Năm học 2016-2017, đã đi được nửa chặng đường. Trước yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, mỗi cán bộ công chức, viên chức toàn ngành đã ý thức rõ sứ mệnh thiêng liêng cùng trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp “trồng người”; khắc phục khó khăn, nỗ lực tự vượt lên chính mình, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, ủng hộ, đồng thuận của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh; sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn ngành, Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đang vững bước trên con đường đổi mới, quyết tâm đạt những mục tiêu giáo dục đào tạo mà Báo cáo 236-BC/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015- 2020 và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo đã đề ra./.