Không chỉ mang sắc trắng tinh khôi, cây ban có nội lực sống mãnh liệt, dù trên đất khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, cứ qua mùa đông rét lạnh cây ban lại trỗi dậy đâm chồi nảy lộc, nở hoa kết trái. Chính vì vậy, từ ngàn đời nay, rất tự nhiên hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc tụ cư trên mảnh đất Điện Biên, trong đó tiêu biểu là dân tộc Thái. Họ yêu mến vẻ đẹp, trân trọng sức sống bền bỉ của hoa ban. Để rồi từ đó, thông qua kho tàng văn học dân gian và những làn điệu dân ca, dân vũ, hình ảnh hoa ban đã đi sâu vào tiềm thức, đời sống tinh thần đồng bào dân tộc nơi đây, tạo nên mối liên kết, giao hòa vô hình giữa hoa ban và tâm hồn, cốt cách cư dân bản địa.
Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu.
(Trần Mạnh Hảo)
Tương truyền rằng, khi xưa xứ “Mường Trời” có người con gái tên Ban xinh đẹp nhất bản người Thái. Nàng đem lòng yêu chàng trai bản tên Khum nhà nghèo, giỏi săn bắn, chăm làm và tốt bụng. Nhưng “ải, êm” (bố, mẹ) nàng Ban lại hứa gả Ban cho con trại Tạo mường nhà giàu nhất bản, lười biếng lại vừa thọt vừa gù.
Ngày cưới nàng với con trai Tạo mường đã được ấn định mà Khum đi bẫy thú ở rừng sâu chưa về. Đêm đó, Ban đã buộc khăn piêu ở cầu thang rồi một mình băng núi, băng rừng đi tìm người yêu. Nàng đi mãi.. đi mãi... rồi kiệt sức và nàng chết ngay bên sườn đồi. Tại nơi nàng chết, người ta thấy có một loài hoa trắng muốt, hương thơm dịu ngọt. Dân bản tin rằng đó là nàng Ban đã hóa thân thành loài hoa ấy; cánh hoa trắng muốt thể hiện tình yêu son sắt thủy chung với chàng Khum, cũng là biểu trưng nhằm tôn vinh, minh chứng cho tình yêu bất diệt, thể hiện ước vọng ngàn đời của cộng đồng các dân tộc về hạnh phúc vĩnh cửu, vượt qua mọi lễ giáo, rào cản, định kiến xã hội và những khó khăn của cuộc sống. Không chỉ vậy, sức sống mạnh mẽ, vẫn xanh tươi trên vách núi đồi của hoa ban còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên, chinh phục thiên nhiên, làm chủ bản mường của nhân dân các dân tộc Điện Biên.
Ngoài ra, Lễ hội Hoa ban còn gắn liền với ý nghĩa lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Sở dĩ, Điện Biên chọn ngày 13.3 hàng năm là ngày tổ chức Lễ hội Hoa ban vì đây là thời điểm hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc và cũng chính ngày Điện Biên Phủ nổ phát súng đầu tiên khai màn trận đánh (13.3.1954); để tạo nên một Điện Biên Phủ huyền thoại, lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu và gắn liền với tên tuổi vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp.
Lễ hội Hoa ban không chỉ là niềm tự hào của đồng bào của 19 dân tộc anh, em tỉnh Điện Biên mà còn là Lễ hội cầu cho mưa thuần gió hòa, mùa màng bội thu của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên. Du khách đến với Điện Biên không chỉ để ngắm vẻ đẹp của hoa ban, nghe truyền thuyết về loài hoa mà còn được tìm hiểu về Điện Biên Phủ năm xưa và hôm nay.