Trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013 vừa qua em thi đỗ hai trường: Đại học Tây Bắc , Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội và một trường Cao Đẳng .
Em Đậu Văn Triều đứng đầu tiên bên phải sang
Niềm vui khi em báo tin cho thầy cô và bạn bè, kèm theo sự buồn rầu, lo lắng trên gương mặt gầy gò chai sạn. Em tâm sự "cô giáo ơi em không biết nên đi học trường nào, mà lấy tiền đâu để đi học bây giờ "em vừa nói nước mắt em rơi lã chã làm tôi cũng không thể cầm lòng. Quả thực cuộc sống của em quá vất vả: em không có bố, mẹ bị bệnh nên cũng không được nhanh nhẹn, lại có một em gái năm nay học lớp 6. Em là người trụ cột và phải lo tất cả công việc đồng áng của gia đình, tôi có hỏi em thế cuộc sống của ba mẹ con chỉ có thu nhập từ làm ruộng có đủ chỉ tiêu không? Em nói "nhà em chi có mấy nghìn ruộng thôi nếu chỉ trông vào làm ruộng thì không đủ lo cho ba mẹ con, nên em xin đi làm thuê vào những ngày nghỉ em làm đủ mọi việc: thợ phụ vữa, khoan cắt bê tông, mùa long nhãn thì đi bóc long nhãn thuê, đi say thóc thuê, bán quả mít, chè xanh ......những ngày tết khi các bạn được nghỉ ngơi vui vẻ bên gia đình thì em phải đi bán từng quả bóng bay để kiếm thêm thu nhập..., em còn làm nhiều nghề lắm cô ạ" em nói đến đấy tôi cũng không thể cầm lòng hai cô trò ôm nhau khóc nức nở. Tôi biết gia đình em quá khó khăn nên có quan tâm đến việc học của em khi nào có thời gian thì tranh thủ giảng cho em thêm một số kiến thức khó, em học rất tốt và tiếp thu nhanh các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh em đều đạt giải, tính cách thì dễ gần, vui vẻ lạc quan. Nhưng tôi cũng đâu biết cuộc sống của em lại quá khó khăn và vất vả, một cậu học trò nhỏ bé có"làn da bánh mật" lại có nghị lực phi thường đến vậy. Em vừa khóc vừa nói tiếp"cô ơi em đã nghĩ cả tuần nay rồi, nhà em nghèo quá em thích đi học trường Đại Học Lâm Nghiệp Hà Nội khoa quản lý rừng, nhưng em đi phụ xây thuê cả hè này và vét hết thóc trong nhà đi bán mới được 5 triệu đồng mà trong giấy báo nhập học họ nghi khi nhập học nộp tiền học phí kỳ đầu là hơn 3 triệu, vậy còn hơn 2 triệu mà tiền đi lại, xuống còn tiền ăn, tiền thuê phòng... mà em sợ em chưa xin được việc đi làm thêm, không có tiền để gửi cho mẹ và em gái em ở nhà nữa. Nên em nghĩ kỹ rồi chắc em đi học Đại Học Sư Phạm thôi cô ạ vì không phải đóng học phí em sẽ lo được cho mẹ và em gái của em. Em nghĩ như vậy có đúng không cô?" Trước câu hỏi của em tôi không thể trả lời được gì, Tôi bảo em "em hãy cố gắng, hãy làm những gì mà em cho là đúng, thầy cô và bạn bè luôn ở bên em, có khó khăn hay cần lời khuyên, sự chia sẻ em vẫn có cô và các bạn. Cô tin với những gì em đã phải vượt qua, thì trong học tập hay trong cuộc sống em vẫn sẽ thành công".Và em cũng là đại diện cho các em học sinh trường THPT Huyện Điện Biên được đề nghị xét học bổng "tiếp sức đến trường".
Khi tôi viết những dòng tâm sự này thì em đã lên đường nhập học trường Sư Phạm lời nhắn em để lại cho tôi trước khi đi là: Em biết cô mong muốn em đi học sư phạm vì. Nghề sư phạm là nghề cao quý trong nhứng nghề cao quý "nếu không có những thầy cô giáo giỏi thì sẽ không có những học trò giỏi"; cô hãy tin em sẽ học tập và phấn đấu để trở thành một thầy giáo giỏi cô ạ, em chúc cô mạnh khỏe mãi là người lái đò vĩ đại của chúng em cô nhé". Một lời nhắn gửi đầy ý nghĩa và để lại trong tôi những người thầy, người cô lòng tin và yêu nghề hơn.
Hà Thị Thu Trang - giáo viên Trường THPT Huyện Điện Biên