“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi”…
Chúng ta không khỏi xao xuyến khi đọc những vẫn thơ tình cảm đầm ấm về tình thầy trò dưới mái trường. Thầy cô là những người lái đò tận tụy chở bao lớp học trò cập bến tri thức, thầy cô chính là ngọn đuốc soi sáng con đường tương lai cho biết bao thế hệ học sinh! Không có một ai thành công mà đằng sau không có dáng dấp của những người thầy người cô tận tụy tháng ngày. Mỗi khi đọc những vần thơ ấy, tôi lại nhớ đến hình ảnh cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền- Phó Hiệu trưởng trường PTDTNT tỉnh Điện Biên- cô đã đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”. Đó là tấm gương sáng luôn tận tụy, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh các dân tộc thân yêu.Với ước mơ trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô Huyền trở thành sinh viên khoa Lịch sử ttrường Đại học sư phạm Hà Nội. Ra trường năm 2003, cô về nhận công tác tại trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên- một ngôi trường với bề dày truyền thống và là điểm sáng của giáo dục dân tộc ở tỉnh Điện Biên.Bằng sức trẻ, niềm say mê tâm huyết với nghề, cô đã lan toả niềm đam mê môn Lịch sử đến các em học sinh ngay từ những ngày đầu đến lớp với nhiều bài giảng hay, tiết học thú vị gắn lịch sử với cuộc sống. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi các em được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Vì vậy mỗi tiết học của cô đều mang đến cho học trò những điều mới mẻ về cách tiếp cận kiến thức, vấn đề bài học bằng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực. Cách giảng dạy mới mẻ, cuốn hút đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Vì vậy các em càng hiểu hơn về lịch sử, thêm yêu lịch sử của dân tộc mình. Chất lượng giảng dạy hàng năm luôn vượt chỉ tiêu đăng kí, tỉ lệ học sinh đạt kết quả từ trung bình trở lên luôn đạt trên 95% trở lên, trong đó tỉ lệ học sinh đạt Khá, Giỏi đạt trên 90%.Từ năm 2006 đến nay cô liên tục được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Học sinh trải nghiệm đóng vai là hướng dẫn viên du lịch trong giờ học Lịch sử
Với những giáo viên trẻ mới ra trường như chúng tôi, cô luôn cởi mở, chân tình, nhẹ nhàng góp ý, chỉ dạy cho chúng tôi làm thế nào để có một tiết giảng hay, làm thế nào để bài giảng không còn khô khan, cứng nhắc, làm thế nào để học sinh dễ hiểu dễ tiếp cận hơn. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới gáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra những thách thức mới với người thầy. Theo đó, thầy cô chính là người truyền cảm hứng cho học sinh khám phá tri thức, rèn luyện kĩ năng và xây dựng thái độ học tập tích cực, chủ động, phát huy năng lực, sáng tạo của học sinh. Vì vậy, Cô nhẹ nhàng góp ý với chúng tôi “Với yêu cầu ngày càng cao về đổi mới phương pháp giảng dạy và kiến thức chuyên môn, nếu các em không thường xuyên tự nghiên cứu, học hỏi, sưu tầm tài liệu, trao đổi với các đồng nghiệp thì khó mà đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục. Đặc thù của trường chúng ta là trường dân tộc nội trú, với 95% là học sinh dân tộc trong đó có cả các dân tộc rất ít người. Vì vậy, trong công tác giảng dạy, các em phải luôn tìm phương pháp hiệu quả nhất, giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng học sinh, phải làm sao để chuyển tải tốt nhất nội dung bài giảng, phải có những ví dụ liên hệ thực tiễn sinh động áp dụng vào thực tế thì học sinh mới dễ hiểu, dễ nhớ được”Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy trên lớp, hàng năm, cô luôn phụ trách bồi dưỡng cho đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch Sử của trường, dưới sự bồi dưỡng, dìu dắt của cô, rất nhiều học sinh của trường đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt trong 3 năm từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022 dưới sự ôn luyện của cô đã có 50 lượt học sinh đạt giải trong cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh trong đó 03 giải nhất, 15 giải nhì, 20 giải ba, 09 giải khuyến khích. Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền cùng đội tuyển HSG môn Lịch sử
Không chỉ đạt thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, Cô còn tích cực tham gia nghiên cứu những đề tài, sáng kiến mang tính ứng dụng cao trong giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực của học sinh phù hợp với yêu cầu giáo dục hiện nay. Cô có nhiều sáng kiến trong công tác dạy học góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và ôn thi bộ môn Lịch sử, góp phần truyền cảm hứng và niềm đam mê của học sinh với Lịch sử đến học sinh. Với chuyên môn vững vàng, phương pháp dạy học hiệu quả và sự tận tâm dành cho học trò, cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền được Đảng ủy, Ban Giám Hiệu giao nhiệm vụ Bí thư chi bộ tổ Sử- Địa-TD-GDCD,Tổ trưởng chuyên môn,…. Cô được trưng tập tham gia nhiều hoạt động chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức như: Tham gia giúp đỡ chuyên môn đối với giáo viên vùng khó khăn; Tham gia ban giám khảo các hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Giám khảo cuộc thi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh trung học. Thẩm định sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở; Là giáo viên cốt cán chuyên môn cho các đợt bồi dưỡng giáo viên trung học; Tham gia tổ biên soạn và ghi hình chương trình dạy học trên truyền hình của ngành giáo dục. Tham gia tổ biên soạn chương trình giáo dục địa phương cấp trung học phổ thông. Từ tháng 9 năm 2021 đến nay, cô giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục và công tác nội trú. Dù ở cương vị nào, cô cũng luôn chủ động, sáng tạo và khoa học trong công việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao góp phần không nhỏ vào thành tích chung của nhà trường: 03 năm liên tục cô được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên. Năm học 2021-2022 cô được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh
Hơn 20 năm trong nghề, niềm say mê và cảm hứng truyền thụ kiến thức cho học sinh vẫn còn đó, cô vẫn miệt mài “chèo lái con đò tri thức”, đưa nhiều thế hệ học trò đến với tương lai. Khi được hỏi bí quyết nào đã đưa cô tới thành công trong sự nghiệp và cuộc sống? Cô nhẹ nhàng trả lời: “Nghề giáo viên giống như người truyền lửa. Muốn thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương thì trái tim người thầy phải có lửa”.
Vâng! Tôi đã thấy ngọn lửa yêu người, yêu nghề trong ánh mắt, nụ cười, trong công việc và cuộc sống hàng ngày của cô. Cảm ơn cô không chỉ truyền lửa cho học trò mà còn cho những đồng nghiệp như chúng tôi một bài học về sự tận tâm, tận tụy, say mê và cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả!