Trao đổi về hệ thống trường, lớp học, ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Thời điểm chưa chia tách, thành lập huyện thì những xã như: Nà Bủng, Vàng Ðán, Na Cô Sa, Nà Khoa… mặt bằng kinh tế - xã hội, giao thông còn quá nhiều khó khăn. Ðến đường đi còn chưa có thì làm sao đầu tư kiên cố hóa trường lớp được! Trường, lớp khi đó có thể nói là vô cùng tạm bợ. Thống kê năm học 2013 - 2014, toàn huyện có 664 phòng học thì 142 phòng khung gỗ (nhiều phòng xuống cấp), 133 phòng tạm tranh, tre, nứa, lá; phòng công vụ, nội trú học sinh cũng có tới gần 200 trong số 476 phòng là tạm lợp lá, vải dứa. Tính đến thời điểm đó, để đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất cho việc dạy và học của thầy và trò, toàn huyện cần làm mới 69 phòng học, 190 phòng nội trú học sinh, toàn bộ hệ thống sân trường, một số bếp ăn nội trú; tu sửa, làm lại 133 phòng học, 110 phòng nội trú học sinh. Ðây là nhiệm vụ cấp thiết của huyện nói chung, ngành Giáo dục và Ðào tạo Nậm Pồ nói riêng.
Nhận thức rõ yêu cầu cấp bách, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, khẩn trương vào cuộc kêu gọi đầu tư, xã hội hóa với mục tiêu: Ít nhất trong 3 năm học tiếp theo phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống trường, lớp, nhà ở “3 cứng” cho thầy và trò Nậm Pồ. Và thực tế kết quả đã đáp ứng được mong đợi với nhiều cái “được” ngay từ năm học đầu tiên. Cái “được’ trước tiên chính là sự thay đổi lớn về nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh về tầm quan trọng của việc hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, huy động học sinh đến trường, giáo viên an tâm công tác. Kết thúc năm học 2013 - 2014, toàn huyện dựng mới được 116 phòng học, 106 phòng nội trú và nhà công vụ giáo viên, 49 bếp ăn tập thể, sửa chữa láng bê tông được trên 10.200m2 sân trường và nền phòng. Có được kết quả này, với điều kiện nguồn kinh phí Nhà nước, của huyện còn nhiều khó khăn, thì thành công có sự chung tay, góp sức rất lớn của các nhà hảo tâm, nhân dân trên địa bàn. Thời điểm đó, nguồn xã hội hóa huy động được trên 3,15 tỷ đồng; giáo viên và phụ huynh đóng góp gần 7.000 ngày công, 379m3 gỗ, 922m3 sỏi; Công ty Xi măng Ðiện Biên hỗ trợ 370 tấn xi măng, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 hỗ trợ 200 triệu đồng; Sở Giáo dục và Ðào tạo hỗ trợ 270 triệu đồng.
Ðến thời điểm này, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất trường lớp học của huyện Nậm Pồ cơ bản đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra. Trong đó, đáng kể nhất là mục tiêu “3 cứng” và hệ thống sân trường, sân khấu đã được xây dựng toàn bộ. Cùng với đó, vừa qua thực hiện Ðề án Kiên cố hóa trường lớp học của Chính phủ năm 2018, Nậm Pồ đang được đầu tư, xây dựng 15 công trình gồm 8 trường mầm non, 7 nhà lớp học với tổng mức đầu tư trên 87,4 tỷ đồng. Ðến thời điểm này, cơ bản các công trình đều đã khởi công. Dự kiến đến đầu năm học 2019 - 2020, đây sẽ là những “mái ấm” cho thầy, trò của vùng khó Nậm Pồ.