Thực tế cho thấy, trong chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay còn một số hạn chế thuộc về ứng xử như: một số giáo viên hạn chế về phương pháp; giao tiếp với các đối tượng liên quan đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ chưa hiệu quả; chưa hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chưa thực sự yêu thương, chưa thực sự hiểu trẻ… Sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội dẫn đến giao tiếp trực tiếp bị hạn chế, đưa thông tin sai lệch, thổi phồng, bóp méo sự thật; công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa thực sự tích cực; việc xây dựng văn hóa ứng xử chưa được quan tâm đúng mức.
Việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.
Cô và trò trường mầm non 7/5, Thành phố Điện Biên Phủ
Đối với tỉnh Điện Biên, trong kì Bồi dưỡng thường xuyên năm học được tổ chức vào tháng 8/2019, cán bộ quản lý và giáo viên cấp học mầm non đã được tập huấn chuyên đề triển khai thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ sở GDMN; trong Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ GD&ĐT: Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về nâng cao đạo đức nhà giáo; Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 22/4/2019 quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở GDMN, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hành Bộ Quy tắc ứng xử riêng một cách cụ thể, rõ ràng, hiệu quả. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử tại cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Cô và trò trường mầm non Mường Báng số 2, huyện Tủa Chùa
Căn cứ các quy định tại Thông tư 06, mỗi cơ sở giáo dục xây dựng và thực hành Bộ Quy tắc ứng xử riêng một cách cụ thể, tường minh, hiệu quả. Trên cơ sở quy định chung, hướng dẫn cho học sinh tổ chức thảo luận, phát huy dân chủ, xây dựng bộ quy tắc ứng xử của từng lớp phù hợp với các quy định của pháp luật và thuần phong, mỹ tục của địa phương. Công khai bộ quy tắc ứng xử trên cổng thông tin điện tử và niêm yết tại bảng tin của đơn vị; đồng thời, tùy theo từng đối tượng, trích quy tắc ứng xử để niêm yết tại các vị trí thích hợp như lớp học, phòng tổ chuyên môn, phòng hội đồng, phòng tiếp dân,... để mọi người dễ đọc, dễ thực hiện; tuyên truyền, quán triệt nội dung bộ quy tắc ứng xử trong các tiết chào cờ, họp cơ quan, hội nghị, chuyên đề…
Các đơn vị chú trọng phát động phong trào xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, văn minh, phòng, chống bạo lực học đường; tôn vinh, lan tỏa nếp sống đẹp, ứng xử có văn hóa trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về Quy tắc ứng xử của đơn vị; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể trong triển khai Bộ Quy tắc ứng xử theo quy định; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện tốt bộ quy tắc; hằng năm, tổ chức đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và sơ, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện bộ quy tắc của đơn vị với cấp quản lý trực tiếp.
Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo và triển khai kịp thời của các cấp quản lý, sự vào cuộc của CBQL, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục, việc thực hiện văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục mầm non sẽ ngày càng tốt hơn, tạo nên sự đồng thuận trong tập thể nhà trường, với phụ huynh và xã hội cùng phối hợp tạo nên môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện./.
Nguồn tin: Trường THPT Thanh nưa, huyện Điện Biên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn