Một buổi ôn tập của học sinh lớp 12C1, Trường THPT Phan Ðình Giót (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Ðức Linh
Hoàn thành chương trình ôn tập
Với mục tiêu duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; ngay từ đầu năm học, Sở GD&ÐT đã ban hành văn bản về việc tổ chức dạy học lớp 12 và ôn thi THPT quốc gia năm 2019. Ðến giữa tháng 6, cơ bản các trường đã hoàn thành chương trình ôn tập, ôn thi cho học sinh đảm bảo về thời gian, nội dung, thời lượng. Trong quá trình thực hiện, Sở tổ chức các đoàn kiểm tra việc tổ chức ôn tập, ôn thi lớp 12 và công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại tất cả các trường THPT, trung tâm GDTX, GDNN - GDTX. Kết quả kiểm tra cho thấy, các đơn vị đều thực hiện đúng kế hoạch, không phát hiện trường hợp dồn ép, cắt xén chương trình; tổ chức dạy học đến đâu ôn tập củng cố, ôn thi đến đó, chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Ðồng thời, chủ động phân loại học sinh theo học lực và bài thi để có giải pháp ôn tập phù hợp, đặc biệt quan tâm đến học sinh học lực yếu, kém, học sinh thuộc diện có thể bị điểm liệt, nguy cơ không đạt ngưỡng tốt nghiệp.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Trường PTDTNT THPT huyện Ðiện Biên có 80 học sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 11 thí sinh chỉ lấy điểm xét tốt nghiệp, 69 thí sinh còn lại vừa lấy điểm xét tốt nghiệp vừa lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Ðể giúp các em chuẩn bị kỹ càng về mặt kiến thức trước khi bước vào kỳ thi, công tác ôn tập đã được nhà trường chú trọng thực hiện ngay từ đầu năm học. Thầy Trần Ðăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 được nhà trường chủ động phân công cho đội ngũ giáo viên nòng cốt, có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn vào giảng dạy. Thời gian, nội dung ôn tập đảm bảo đúng quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể và đối tượng học sinh. Theo đó, ngoài thời gian ôn tập vào các buổi chiều, Trường cử giáo viên tranh thủ hướng dẫn học sinh ôn tập trên lớp vào các buổi tối, chú ý rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh, đi từ kiến thức trọng tâm đến giải các loại bài tập. Ðến nay, kế hoạch ôn tập của Trường đã cơ bản hoàn thành, đa số học sinh chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, tâm lý cho kỳ thi quan trọng sắp tới.
Cũng như các trường THPT khác trên địa bàn, thời gian qua, công tác ôn thi THPT quốc gia cũng được Trường THPT Thanh Chăn nghiêm túc thực hiện, tập trung cao điểm từ tháng 5 đến giữa tháng 6. Trên cơ sở bài thi học sinh lựa chọn, các tổ chuyên môn đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập để Trường phê duyệt. Ngoài ra, giáo viên sẽ ôn luyện thêm 4 - 5 buổi (khoảng 20 tiết) cho học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Trong quá trình ôn tập, giáo viên linh hoạt thay đổi hình thức ôn thi bằng nhiều biện pháp sao cho hiệu quả, tránh tình trạng học sinh căng thẳng, mệt mỏi. Ðến nay, 209 học sinh lớp 12 của Trường đã cơ bản nắm vững kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi.
Ðảm bảo điều kiện tốt nhất cho kỳ thi
Công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi cũng đang được Sở GD&ÐT tích cực triển khai. Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết: Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, toàn tỉnh thành lập 1 cụm thi do Sở GD&ÐT chủ trì phối hợp với Trường Ðại học Thủy lợi tổ chức. Toàn tỉnh sẽ có 17 điểm thi (gồm 14 điểm thi liên trường và 3 điểm thi độc lập) với tổng số 228 phòng thi. Ðến nay, cơ sở vật chất tại các điểm thi đã được Sở GD&ÐT chỉ đạo các trường chuẩn bị chu đáo, đảm bảo các phòng thi, phòng làm việc có đầy đủ bàn ghế, hệ thống quạt mát, ánh sáng... phục vụ thí sinh và cán bộ làm thi. Ðặc biệt số cán bộ, giáo viên tham gia làm thi đã được Sở GD&ÐT và Trường đại học Thủy lợi tuyển chọn, lập danh sách, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Dự kiến, tổng số cán bộ, giảng viên của Trường đại học Thủy lợi phối hợp trực tiếp tham gia làm thi và thanh tra kỳ thi là 331 người; số cán bộ, giáo viên, trật tự viên, phục vụ của Sở GD&ÐT là 409 người.
Ðể đảm bảo kỳ thi diễn ra thực chất, đúng quy chế, công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi được Sở GD&ÐT phối hợp với Công an tỉnh xây dựng phương án bảo vệ an toàn ở tất cả các khâu. Tại tất cả 17 điểm thi đều đã được lắp đặt đủ bộ camera an ninh, giám sát, riêng phòng bảo quản đề thi, bài thi cũng được lắp đặt hệ thống camera với dung lượng lưu trữ đảm bảo ghi hình liên tục 24 giờ/ngày và đủ ít nhất 21 ngày. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, cử cán bộ thường trực tại các điểm thi; ngành Bưu chính, Viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong kỳ thi; ngành Giao thông - Vận tải đảm bảo các tuyến đường thông suốt, có phương án dự phòng xử lý các tuyến đường có nguy cơ sạt lở. Ðồng thời, chủ động phối hợp với ngành Ðiện lực cung ứng đủ điện, đảm bảo nguồn điện an toàn, liên tục trong thời gian diễn ra kỳ thi; phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin, tuyên truyền kịp thời trước, trong và sau khi diễn ra kỳ thi...
Ðáng chú ý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia kỳ thi, Sở còn chủ động lên phương án hỗ trợ thí sinh dự thi, như: Chỉ đạo các trường hỗ trợ phương tiện đi lại, sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho thí sinh ở xa trong khu ký túc xá của trường; phân công giáo viên phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia quản lý, đưa đón học sinh về dự thi. Mặt khác, phối hợp với Tỉnh đoàn thành lập đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ thí sinh tìm nơi ăn nghỉ, đưa đón thí sinh trong những ngày thi; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh là con em dân tộc thiểu số, có điều kiện khó khăn tham gia kỳ thi. Qua đó, giúp các em có điều kiện tốt nhất về sức khỏe, kiến thức, tâm lý trước và trong những ngày thi để đạt kết quả cao nhất.