Trong những năm qua, giáo dục Điện Biên nói chung, giáo dục cấp Mầm non, Tiểu học nói riêng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; các lực lượng trong và ngoài nhà trường. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ổn định, cơ bản đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên từng bước được nâng cao góp phần đưa giáo dục giáo dục Mầm non, giáo dục Tiểu học phát triển vững chắc, đóng góp tích cực vào quá trình phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục chung của tỉnh.
Khai mạc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cấp Mầm non,
Tiểu học năm học 2019-2020
Năm học 2018-2019, Điện Biên có 174 trường mầm non với 2.331 nhóm, lớp và 58.950 trẻ; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường đạt 36,2%, trẻ mẫu giáo đạt 98,7%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,6%. So với cùng kỳ năm học trước: tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp tăng 2,3%, trẻ mẫu giáo tăng 0,1%. Tỉnh có 130/130 xã duy trì chuẩn PCGDMNTNT; 105/174 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia; 100/174 trường mầm non đạt chuẩn chất lượng giáo dục từ cấp độ 1 trở lên. Tỉnh có 173 trường tiểu học với 2.898 lớp và 68.990 học sinh; tỷ lệ huy động dân số 6-10 tuổi học tiểu học đạt 98,8%, riêng dân số 6 tuổi học tiểu học đạt 99,9%. So với cùng kỳ năm học trước: tỷ lệ huy động dân số 6-10 tuổi học tiểu học tăng 0,2%, dân số 6 tuổi học tiểu học tăng 0,1%. Tỉnh có 130/130 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; 115/173 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia; 86/173 trường được kiểm định chất lượng giáo dục (49,7%) trong đó 60 trường đạt cấp độ 3 (34,6%); 25 trường đạt cấp độ 2 (14,4%), 01 trường đạt cấp độ 1 (0,05%).
Tham gia bồi dưỡng thường xuyên cấp Mầm non, Tiểu học đầu năm học 2019-2020 có 275 học viên là cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp học Mầm non và Tiểu học, số học viên tham gia bồi dưỡng được chia thành 5 lớp (2 lớp Tiểu học, 3 lớp Mầm non). Đợt bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cốt cán cấp Mầm non, Tiểu học đầu năm học 2019-2020 tập trung thảo luận các chuyên đề như: Triển khai thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục mầm non; tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho trẻ mầm non; vấn đề giới trong giáo dục mầm non; giới thiệu chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình tổng thể và chương trình môn học cấp Tiểu học); giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật ở tiểu học; tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh tiểu học;...
Đồng chí Nguyễn Văn Đoạt - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc kỳ bồi dưỡng
Phát biểu khai mạc bồi dưỡng, đồng chí Nguyễn Văn Đoạt – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao những kết quả mà cấp học Mầm non, Tiểu học đã đạt được trong năm học 2018-2019 như: Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng, đặc biệt là ở cấp mầm non; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao, cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên trong quá trình quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cấp Mầm non, Tiểu học còn bộc lộ một số tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới như: Việc tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình GDMN còn hạn chế, đặc biệt là ở các lớp mẫu giáo ghép; việc dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số chưa linh hoạt, chưa phù hợp với tình hình thực tế của trẻ, của lớp và của địa phương; toàn tỉnh còn thiếu trên 800 giáo viên mầm non; một số trường tiểu học đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chưa nắm chắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc mở rộng vốn từ cho học sinh còn nhiều hạn chế đặc biệt là học sinh dân tộc ít có điều kiện giao tiếp trong cộng đồng bằng ngôn ngữ tiếng Việt; Toàn tỉnh còn 26 trường chưa áp dụng mô hình VNEN gây khó khăn lớn khi thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa lớp 1 vào năm học 2020 -2021. Đây là những khó khăn mà năm học 2019-2020 cần sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cấp quản lý và đội ngũ giáo viên toàn ngành, nhất là các thầy cô tham gia bồi dưỡng cốt cán lần này.
Đồng chí Đào Thái Lai - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học thông qua các quyết định và nội quy lớp bồi dưỡng
Năm học 2019-2020 có vị trí đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra; làm năm tổ chức đại hội các cấp tiến tới đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng; là năm học bản lề chuẩn bị cho chương trình thay sách giáo khoa lớp 1 (năm học 2020 -2021). Cùng với yêu cầu tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đòi hỏi mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của Chuẩn Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Thực hiện nghiêm túc Luật giáo dục mới có hiệu lực thi hành, Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, chuẩn bị các điều kiện cho đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Ngành, sự tạo điều kiện và phối hợp của Trung tâm GDTX tỉnh, sự cố gắng của đội ngũ giảng viên cùng với thái độ nghiêm túc học tập của các học viên, khóa bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp Mầm non, Tiểu học đầu năm học 2019-2020 sẽ đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh trong năm học 2019-2020 và những năm tiếp theo.
Tác giả: Đào Thái Lai - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn