Vì vậy, Ban Chỉ đạo xây dựng Ðề án sáp nhập cơ sở GDNN tỉnh lấy ý kiến tham gia, góp ý về việc xây dựng Ðề án sáp nhập Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên và Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Ðiện Biên. Ðảm bảo mục tiêu sau khi sáp nhập 2 cơ sở GDNN này không những tận dụng được cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có mà còn nâng cao hiệu quả đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Sinh viên Khoa Lâm sinh (Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên) trong giờ thực hành tại phòng nuôi cấy mô.
Xu hướng tất yếu
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên và Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đều thuộc hệ thống GDNN. Thời gian qua, 2 cơ sở GDNN này đều tích cực tuyển sinh, đào tạo, cung ứng nhân lực cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên do chức năng, nhiệm vụ 2 cơ sở có nhiều điểm tương đồng, bộ máy biên chế cồng kềnh do đó việc sáp nhập 2 đơn vị thành 1 đơn vị sự nghiệp công lập làm chức năng của 1 trường cao đẳng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với quan điểm của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên có 119 cán bộ, giáo viên, nhân viên biên chế và hợp đồng được bố trí vào các vị trí thuộc ban giám hiệu và 5 phòng, 7 khoa cùng 2 trung tâm trực thuộc (Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ, Trung tâm Ðào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ). Với nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, hơn 90% học viên ra trường có việc làm; xấp xỉ 80% làm đúng nghề theo chuyên môn được đào tạo. Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy, trong tổng số hơn 8.000 người được đào tạo từ năm 2016 đến năm 2018 thì tỷ lệ đào tạo trình độ cao đẳng chỉ chiếm hơn 5%; trung cấp chiếm chưa đầy 8,2%; sơ cấp chiếm trên 53%; còn lại chủ yếu là đào tạo dạy nghề dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên (Tin học, Ngoại ngữ). Hiện nay, nhà trường đào tạo 38 lớp với tổng số 840 học sinh, sinh viên và học viên, nhưng số sinh viên theo học trình độ trung cấp chỉ có 218 người, trình độ cao đẳng 202 người; còn lại là đào tạo sơ cấp nghề lái xe và đào tạo thường xuyên.
Tương tự, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên hiện có 139 cán bộ, giáo viên, nhân viên biên chế và hợp đồng. Ngoài 3 biên chế công chức, viên chức giữ chức vụ hiệu trưởng và các hiệu phó trong ban giám hiệu; số còn lại làm việc tại 7 phòng chức năng, 6 khoa, Trại thí nghiệm - thực hành và Trung tâm Tin học - ngoại ngữ. Từ năm 2016 đến nay trong hơn 5.400 học sinh, sinh viên, học viên được đào tạo thì tỷ lệ đào tạo trình độ cao đẳng chỉ chiếm hơn 6,3%; trung cấp chiếm 5,9%; còn lại là đào tạo dạy nghề dưới 3 tháng, đào tạo thường xuyên và đào tạo trình độ thạc sĩ, đại học thông qua liên kết với các trường đại học khác. Cũng ở 2 cơ sở GDNN này, các ngành nghề đào tạo tương đối giống nhau và đều hướng tới đối tượng người học là như nhau, như khoa Nông - lâm nghiệp, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Tài chính, Luật và Quản lý xã hội...
Sắp xếp để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo
Thực tế cho thấy, việc sáp nhập đưa về đầu mối thành 1 trường mà vẫn đảm bảo chức năng, nhiệm vụ là phù hợp với chủ trương của Trung ương, của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 15 - NQ/TU, ngày 16/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19 - NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Khi sắp xếp lại sẽ tạo thuận lợi để Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Ðiện Biên xây dựng phương án tự chủ theo Luật GDNN, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, giảm đầu mối, nhất là các phòng, khoa chuyên môn. Theo tính toán, từ 29 khoa, phòng, cơ sở trực thuộc của 2 trường sau sáp nhập, kiện toàn thành 17 (giảm 12); số cán bộ quản lý phòng, khoa còn 39 người (giảm 3); đảm bảo vị trí việc làm đáp ứng quy mô tuyển sinh các năm của trường. Nhu cầu số người làm việc đến năm 2023 là 222 người, giảm 36 người so với tổng số 258 người khi sáp nhập, đảm bảo giảm trên 10% biên chế giai đoạn 2019 - 2023. Dự kiến với quy mô tuyển sinh 5.890 chỉ tiêu/năm (trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên và đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ), Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Ðiện Biên sẽ trở thành cơ sở đào tạo đa ngành, nghề; duy trì các ngành, nghề đào tạo có xu hướng sử dụng nhiều nhân lực, bổ sung mã ngành, nghề đào tạo mới theo nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Ðề án Sáp nhập cơ sở GDNN tỉnh cho biết: Với mục tiêu sáp nhập không đơn thuần chỉ là giảm đầu mối mang tính cơ học mà sắp xếp lại đảm bảo tính tương đồng về chức năng, nhiệm vụ nên thay vì sáp nhập 3 cơ sở như tính toán ban đầu, Ban Chỉ đạo xây dựng Ðề án Sáp nhập Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Ðiện Biên. Ðến nay Ðề án đã hoàn thiện việc xin ý kiến các sở, ngành; trình Ban cán sự Ðảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, sau đó gửi Tổng cục GDNN (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thẩm định. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ tổ chức thực hiện đề án. Ông Sơn khẳng định, việc sáp nhập này hoàn toàn phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, giảm đầu mối, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, khắc phục cơ bản những hạn chế yếu kém trước khi sáp nhập thông qua việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế. Ngành nghề đào tạo của nhà trường sau khi sáp nhập sẽ được thực hiện theo hướng tập trung vào những ngành, nghề có khả năng phát triển; quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, tạo thế và lực cho hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.