Cô Nguyễn Thị Hòa – Phó Hiệu trưởng trường THPT Huyện Điện Biên trong ngày khai giảng. Bước chân tôi bỗng dừng lại vì một câu hỏi thú vị. Tôi nép vào góc tường, len lén nhìn qua khe cửa.
Ơ! Đây chẳng phải giờ học Tiếng Anh của cô giáo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa sao? Không khó để nhận ra giọng giảng âm vang, truyền cảm của cô và không khí lớp học chẳng lẫn đi đâu được. Vì chúng thường sôi nổi hơn các tiết học khác. Các học trò rất chăm chú nghe giảng, nhiều lúc mắt chúng mở to, mồm há hốc như chỉ chực chờ nuốt lấy từng lời giảng của cô.
Tôi tò mò xem lũ trẻ trả lời thế nào. Vì tôi vừa dạy chúng mấy tuần trước. Trái với sự kì vọng của tôi. Chúng lí nhí trả lời, đứa có, đứa không. Bằng vốn Tiếng Anh ít ỏi của mình, tôi nghe lơ mơ câu được, câu chăng nhưng không biết có ma lực gì mà tôi cũng há hốc mồm, mở to mắt như bọn trẻ vậy. Tôi đứng ngoài, nghe giảng đến hết tiết lúc nào chẳng hay.
Sáng hôm sau, vào ca trực nề nếp, tôi đến sớm hơn thường ngày. Tôi dừng lại khá lâu ở lớp 12C6 - lớp học mà tôi đã lén nghe giảng hôm trước. Lớp nghiêm túc, trật tự và đầy đủ.
- Bây giờ các em đã biết Ru - dơ - ven, Sơc - sin rồi chứ! – Tôi cười nói.
Chừng hiểu ý của tôi, chúng cười vang rồi đồng thanh đáp:
- Rồi ạ!
Vừa đùa, vừa tò mò, tôi hỏi chúng:
- Hình như học Tiếng Anh rất thú vị phải không các em?
- Đúng rồi cô ạ!
Cô bé Linh lớp trưởng nhanh nhảu đáp. Hình như câu hỏi của tôi trúng vào tâm lý chúng, cả lớp lại sôi nổi bàn tán. Dù đã biết trước nhưng tôi vẫn hỏi:
- Cô Hòa đã nói thế nào về 2 nhân vật này vậy các em?
- Cô ơi, F. Ru dơ ven mặc dù là người tàn tật nhưng ý chí lại rất kiên cường. Ông ta là cứu tinh của nước Mĩ, được nhân dân tín nhiệm bầu làm tổng thống bốn nhiệm kỳ liên tiếp ạ. Không tin nổi thời tuổi trẻ ông ta đã từng có những vu bê bối về chính trị, là một người mê tín, hút thuốc và uống rượu mạnh mỗi ngày.
- Cô ơi, W. Sơc sin là vị thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất nước Anh. Thế mà ngày trẻ ông ta khá lười biếng, ngủ tới trưa mới dậy, và cũng hay uống rượu, lại còn từng hút thuốc phiện khi là sinh viên. Khi đi làm ông ta đã 2 lần bị đuổi việc đấy cô. Thật khó tin cô nhỉ!
Bọn trẻ tranh nhau trả lời, chẳng ngấp ngứ tí nào, cứ như chúng được lập trình sẵn trong đầu vậy. Sao cô Hòa lại nói đến 2 người nổi tiếng này trong giờ tiếng Anh nhỉ? Tôi tò mò. Bọn trẻ kể luôn.
- Cô ơi, hôm trước chúng em học về “thì hiện tại”, “thì quá khứ”, “thì tương lai”. Cô giáo đã giải thích cho chúng em bằng một câu chuyện liên quan đến 2 nhân vật này.
Khi tôi ra khỏi lớp rồi, bọn trẻ tinh nghịch vẫn còn gọi với theo:
- Cô ơi, lần sau bọn em lỡ vi phạm cô cũng đừng cho bọn em vào sổ đen cô nhé, biết đâu sau này chúng em lại trở thành những nhân vật xuất chúng cô nhỉ!
- Tai tôi lại văng vẳng lời giảng của cô: “ các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu. Vinh quang hay tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ, còn cái thực sự đại diện cho cuộc đời mỗi con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay, cố gắng làm những việc mà các em muốn làm. Các em đừng bao giờ ngừng hi vọng, ngừng yêu thương, ngừng cố gắng. Ngày mai là một điều bí mật, còn ngày hôm nay là một món qùa. Và đó là lí do vì sao nó được gọi là “ The Present” ( hiện tại/ món quà).
Lời giảng của cô khiến tôi nhớ đến cậu học trò nhỏ nghịch ngợm mà tôi chủ nhiệm năm trước. Ngày ấy tôi đã lập biết bao nhiêu biên bản vi phạm, phạt với nhiều hình thức mà em ấy vẫn không thay đổi. Em đã bỏ học khi biết mình trong diện lưu ban. Giá như tôi quan tâm động viên em nhiều hơn là trách phạt thì có lẽ con đường học vấn của em không ngắn ngủi đến vậy. Tôi chợt hiểu ra chân lý mà tôi đã từng được học: “ chín phần mười sự giáo dục là động viên khích lệ” ( Anatole Frace).
Thì ra khái niệm “ tích hợp” trong dạy học mà bấy lâu nay chúng ta hay nhắc đến lại gần gũi đến thế. Thì ra dạy học không chỉ là dạy cho học trò làm thế nào để sống, mà còn dạy cho chúng sống như thế nào… Câu chuyện của cô không chỉ truyền cảm hứng cho học trò mà cho cả tôi.
Từ giây phút ấy, tôi tự hứa với bản thân phải làm khác, phải tâm huyết hơn nữa với học trò của mình.
Tôi nhận ra là ở lớp học này của trường THPT Huyện Điện Biên( người ta vẫn quen gọi bằng cái tên trường Bản Phủ), học trò đa phần là người dân tộc, nói tiếng Kinh nhiều khi còn lơ lớ, nhưng chúng lại rất yêu thích môn Tiếng Anh của cô. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp các em đứng nói chuyện với một số du khách nước ngoài ở đền Hoàng Công Chất, di tích đồi A1. Điều mà tôi không bao giờ dám làm khi là học sinh phổ thông. Chúng nói rằng : Cô Hòa bảo học tiếng Anh muốn giỏi phải năng thực hành. Điện Biên là mảnh đất lịch sử anh hùng thường xuyên được tiếp đón các đoàn khách quốc tế. Tại sao chúng ta không tự giới thiệu với họ về lịch sử và bản sắc văn hóa quê hương mình. Vừa là quảng bá cho du lịch tỉnh nhà, vừa rèn thêm kỹ năng giao tiếp, vừa hiểu sâu thêm về lịch sử, văn hóa. Với cách khơi gợi, và truyền cảm hứng qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo của cô, học trò say mê hơn rất nhiều so với việc cung cấp những con số khô khan, những sự kiện cứng nhắc mà tôi vẫn thường làm trong giờ lịch sử.
Không thể trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình. Với cương vị là một hiệu phó phụ trách chuyên môn, công việc rất bận rộn nhưng cô luôn dành thời gian, tâm sức chuẩn bị kĩ lưỡng cho bài giảng của mình. Đổi lại là những tiết học đầy say mê, thích thú của học trò. Cô vẫn bảo đó chính là hạnh phúc của nghề giáo chúng ta.
Học sinh lớp 12C6 hướng dẫn khách du khách tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Với hơn 15 năm trong nghề, cô đã đến với học sinh vùng cao Tủa Chùa, cùng các em trải qua những năm tháng khó khăn, thiếu thốn từ thức ăn đến nước uống, đường đi lối lại sình lầy mỗi khi mùa mưa đến. Tại ngôi trường THPT Tủa Chùa, cô từng trải qua nhiều vai trò: Giáo viên chủ nhiệm lớp, Phó Bí thư đoàn trường, Bí thư đoàn trường, Chủ tịch công đoàn, Thư kí hội đồng giáo dục…Nhơ vào sự nỗ lực của bản thân, Cô đã trưởng thành về mọi mặt tại ngôi trường THPT Tủa Chùa. Có lần cô chia sẻ với chúng tôi : “ Công tác 7 năm ở trường THPT Tủa Chùa,có lẽ chị “vô duyên” nhất với công tác chủ nhiệm. Vì lớp nào cũng chỉ chủ nhiệm 2, 3 tháng là chị chuyển sang công tác khác”. Nhưng nhân dịp ngày thành lập trường, Cô quay lại ngôi trường xưa trong sự hân hoan chào đón của bao thế hệ học trò và phụ huynh học sinh với những cái ôm thắm thiết và những giọt nước mắt hạnh phúc. Và tôi hiểu sự “ vô duyên” trong công tác chủ nhiệm của Cô. Một trong những lớp từng được cô chủ nhiệm ở Tủa Chùa, sau hơn 10 năm tốt nghiệp ra trường đã quyết định họp lớp nhưng không phải ở Tủa Chùa mà tại Huyện Điện Biên chỉ để gặp được cô. Phải đủ chân thành, đủ yêu thương và đủ cả tâm huyết mới làm lay động được biết bao phụ huynh và thế hệ học trò như vậy.
Thế rồi, năm 2007, theo sự điều động của sở, cô về công tác ở trường tôi- trường THPT Huyện Điện Biên. Và từ đó đến nay đã được 10 năm rồi gắn bó. Tôi nhớ lại ngày tôi mới về trường(năm 2010), vào đúng thời điểm thi học kỳ I. Ngày đầu tiên đi làm tôi được thầy hiệu trưởng chỉ định cho xuống gặp cô Nguyễn Thị Hòa – Phó hiệu trưởng để nhận phân công. Lúc đó, cô phụ trách hội đồng chấm thi. Trong phòng chấm, cô làm việc rất nghiêm túc và cần mẫn, dù đang trải qua những tháng cuối của thai kỳ đầy khó nhọc. Tôi có chút lo lắng của người mới bắt đầu học việc. Dù đang bận rộn nhưng cô hướng dẫn rất tận tình, chu đáo với một thái độ cởi mở khiến tôi phần nào bớt căng thẳng.
Những ngày tháng làm việc sau đó, tôi càng nhận ra cô là người rất chu đáo, chỉn chu trong công việc. Kế hoạch của cô lúc nào cũng rõ ràng, chi tiết và có tầm nhìn xa. Đặc biệt với công tác chuyên môn cô rất coi trọng, sát sao, và định hướng kịp thời cho anh chị em đồng nghiệp. Không có khó khăn nào, cuộc thi nào mà cô không đồng hành cùng thầy cô và học trò nhà trường. Không chỉ có tham mưu, hoạch định, chỉ đạo tốt hoạt động chuyên môn nhà trường, cô còn trực tiếp tham gia, cầm tay chỉ việc. Ví dụ như cuộc thi giáo viên dạy giỏi, nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức liên môn, dạy học theo chủ đề tích hợp…cô đều tham gia nhiệt tình. Cô bảo mình không có nhiều thời gian lên lớp. Ðó là cơ hội để gần gũi thêm với học trò và trau dồi thêm cho nghiệp vụ bản thân.
Dù với cương vị là một lãnh đạo nhưng cô rất ân quan tâm chia sẻ với đồng nghiệp. Hoàn cảnh của anh chị em trong trường cô đều nắm rất rõ và luôn tìm cách động viên, khích lệ. Cô cho rằng trong các mối quan hệ, đích đến đầu tiên đó là sự chân thành. Hãy nhìn vào những ưu điểm để khích lệ, động viên và nhìn vào những nhược điểm để giúp đỡ họ khắc phục.
Lại nói về mình, khi mới vào nghề, một phần vì chưa biết cách sắp xếp công việc, phần vì bị phân tán bởi việc gia đình nên tôi thỉnh thoảng hoàn thành công việc chậm tiến độ. Nhất là hay quên treo lịch báo giảng. Chắc cô sẽ trách phạt tôi mất. Tôi nghĩ đến điều ấy đầu tiên khi gặp cô. Nhưng không. Khi chỉ có hai chị em trong phòng làm việc, cô ngồi gần lại và ôn tồn hỏi tôi :
- Dạo này cháu có ngoan không em? Gia đình có gì khó khăn không? Con nhỏ chắc vất vả lắm.
Tôi lí nhí trong miệng. Tôi không nhớ mình đã nói gì. Nhưng tôi nhớ rất rõ cô đã chia sẻ những gì với tôi hôm ấy. Cô kể về tuổi thơ vất vả của mình. Mẹ cô phải tần tảo rất nhiều để nuôi cô ăn học. Ý thức được điều đó nên cô luôn cố gắng tự học. Rồi cô nói với tôi: “Em ạ, mình là con gái lấy chồng xa quê là thiệt thòi rồi. Nhưng dù có thế nào thì cũng phải dựa vào nhà chồng. Mình phải yêu kính họ thì họ mới yêu quí mình được. Giai đoạn này, con còn nhỏ, kinh tế còn khó khăn, em cố gắng rồi mọi cái sẽ qua cả thôi.”
Sau lần đó, tôi thấy mình thật có lỗi và biết ơn biết bao nhiêu vì lời động viên ấy. Không một lời mắng trách nhưng nó khiến tôi phải luôn tự kiểm điểm bản thân để tránh mắc phải những sai lầm như thế.
Là Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô dành khá nhiều thời gian để dự giờ đồng nghiệp ở tất cả các phân môn. Khi nhận xét cô không mổ xẻ, chê bai những điểm còn hạn chế mà luôn đưa ra những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng về phương pháp nên rất hữu ích.
Từ khi cô phụ trách công tác thi đua khen thưởng, thành tích của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Có một số đồng nghiệp ít quan tâm đến thi đua và tự ti vào năng lực bản thân. Nhưng nhờ có sự động viên khích lệ của cô Hòa kết hợp với những giải pháp chuyên môn như đẩy mạnh tự bồi dưỡng, giáo viên giảng dạy và chủ nhiệm phụ trách học sinh cả 3 năm để theo sát học trò và nâng cao được trình độ chuyên môn mà cái bóng của sự tự ti đó đã bị xóa đi. Có đồng nghiệp của tôi đã thốt lên “ chưa bao giờ nghĩ mình được danh hiệu Chiến sĩ thi đua vậy mà năm nay đã đạt được”. Dưới sự chỉ đạo sát sao của cô, hoạt động chuyên môn của nhà trường ngày càng đi lên. Giáo viên trẻ như chúng tôi có cơ hội để học hỏi, bộc lộ khả năng bản thân. Còn giáo viên gạo cội thì có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm. Học sinh được thể hiện sự say mê, năng khiếu của mình. Cô bảo: phải “nuôi thi đua” thì mới có thành tích cao được. Nhờ quan điểm đó nên những năm gần đây, những tấm bằng khen, giấy khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Bộ giáo dục, của Chủ tịch nước… đã đến với một số đồng nghiệp trường tôi làm vẻ vang thêm truyền thống của ngôi trường 32 năm tuổi này.
Năm nay trường tôi phấn đấu đạt chuẩn. Công việc bộn bề. Cô luôn trăn trở vì thấy tỉ lệ học sinh yếu kém còn cao hơn tiêu chí. Trong các buổi họp chuyên môn, cô vẫn luôn nói với đồng nghiệp : hãy yêu quý , dạy dỗ các em như chính con cháu của mình. Dạy học sinh yếu kém lên trung bình còn khó khăn hơn dạy học sinh khá giỏi. Vì vậy, thầy cô hãy nhiệt tình, nỗ lực nhiều hơn nữa. Học trò nhận thức đến điểm 4 thì ta cố gắng kèm cặp để em được điểm 5, điểm 6. Đừng cố lấy điểm 7, điểm 8. Một số ít đồng nghiệp của tôi khá nghiêm khắc, thường cho điểm kém khi các em không học bài. Cô bảo: hãy trao cơ hội cho các em một lần nữa, chúng sẽ biết ơn chúng ta nhiều lắm. Có lẽ ở cô ngoài trách nhiệm với công việc còn có lòng bao dung và niềm tin sâu sắc vào những điều tốt đẹp.
Những chia sẻ đầy xúc động của học sinh về cô giáo Nguyễn Thị Hòa.
Với góc độ là đồng nghiệp chia sẻ về đồng nghiệp tôi sợ mình có phần chủ quan, cảm tính nên đã bí mật làm một cuộc thăm dò ý kiến học sinh. Những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, những kỷ niệm vui buồn cùng cô trong học tập, vui chơi, thể thao được các em chia sẻ rất chân thật. Em Lệ Trang, học sinh lớp 12C5 tâm sự với tôi: dù em không được cô trực tiếp giảng dạy, nhưng năm lớp 10, khi em tham gia cuộc thi “ giải pháp tiết kiệm điện” đã được cô Hòa khen. Cô còn nhắc em “giỏi phong trào nhưng cũng phải giỏi cả học tập nữa, cố gắng lên em nhé”. Lần nào gặp cô, em cũng được cô động viên cố gắng, em cảm thấy có động lực lắm. Nhìn em cầm trên tay quyển sách “ Quyết tâm vào đại học”, giọng nói còn rưng rưng, đôi mắt ngân ngấn nước, tôi biết em yêu quí cô biết chừng nào. Chúng học sinh còn bảo nếu có giải thưởng “ Cống hiến” trong ngành giáo dục hay giải “viên phấn vàng” thì nhất định bọn em sẽ bình chọn cho cô Hòa.
Ngọn lửa niềm tin được cô gửi vào ca khúc” Chào năm học mới”
Nhà giáo dục học Usinski từng nói: nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh. Sức mạnh ấy không thể thay bằng bất cứ quyển sách giáo khoa nào, bất cứ câu châm ngôn đạo đức nào, bất cứ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào. Và tôi tin điều đó đúng với cô Nguyễn Thị Hòa, người đồng nghiệp đáng kính của chúng tôi. Ai đó đã từng nói mỗi người chúng ta gặp trong cuộc đời đều sẽ mang đến cho chúng ta những bất ngờ thú vị. Đối với tôi được gặp và trở thành đồng nghiệp của cô là một may mắn lớn, giống như có được một người thầy, người chị, người bạn chân thành, mẫu mực. Sắp đến ngày nhà giáo Việt Nam, thay mặt hội đồng sư phạm và học sinh trong trường, xin được gửi đến cô lời chúc tốt đẹp nhất. Mong cô sẽ mãi là ngọn lửa niềm tin cho thầy và trò thắp sáng những ước mơ.