Sở GDĐT Điện Biên yêu cầu các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, luôn bám sát tình hình thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, từng bước “bình thường hoá” với dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ.
Sở GDĐT chỉ đạo các đơn vị chủ động trong sắp xếp, bố trí linh hoạt các hình thức dạy học. Đối với các trường hợp học sinh, giáo viên thuộc diện F0 đồng thời triển khai song song 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Phó giám đốc điều hành Sở GDĐT Nguyễn Văn Đoạt thăm, động viên học sinh lớp 10A11, Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ trong giờ học trực tuyến môn Tiếng Anh của cô giáo Nguyễn Thị Thư thuộc diện F0 Tính đến ngày 28/3/2022, toàn tỉnh đã có 430/482 cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp, chiếm 89,2% tổng số trưởng trên địa bàn toàn tỉnh, còn 52/482 cơ sở giáo dục cho học sinh tạm dừng học trực tiếp (gồm: 27/169 trường mầm non, 11/140 trường tiểu học và 14/122 trường THCS). Số trường cho học sinh, sinh viên học trực tiếp trở lại theo các cấp học như sau: i) Cấp THPT có33/33 trường, đạt 100%; Cấp THCS có 108/122 trường, đạt 88,52%; iii) Cấp tiểu học có 129/140 trường, đạt 92,14%; iv) Cấp mầm non có 142/169 trường, đạt 84%; iv) Giáo dục thường xuyên có 9/9 trung tâm đạt 100%; Trường CĐSP cũng đã tổ chức cho sinh viên đi học trở lại.
Phó giám đốc Sở GDĐT Cù Huy Hoàn thăm, động viên học sinh, giáo viên Trường THPT Mường Nhà Theo kế hoạch, ngày 04/4/2022 tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức dạy học trực tiếp trở lại.
Tại các cơ sở giáo dục, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Đoạt đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thực hiện tốt các nội dung:
1. Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, UBND tỉnh, Sở GDĐT, ngành Y tế và Ban Chỉ đạo địa phương về phòng, chống dịch Covid-19 để tiếp tục rà soát, điều chỉnh phương án, kịch bản xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình dạy học trực tiếp của đơn vị. Kịp thời khắc phục các nội dung còn hạn chế hoặc chưa phù hợp với trạng thái bình thường mới; sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh phát sinh; chủ động kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh Covid-19 lây lan, bùng phát trong cơ sở giáo dục; đảm bảo an toàn khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận trong việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp và sẵn sàng tiêm phòng Covid-19 cho học sinh khi có vắc xin; đề nghị phụ huynh phối hợp thực hiện các yêu cầu về quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho học sinh trước khi tới trường. hối hợp chặt chẽ với ngành Y tế rà soát, quyết liệt triển khai hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 100% cán bộ, viên chức, người lao động;tiêm vắc xin mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 01 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của ngành Y tế.
3. Các cơ sở giáo dục phân loại đối tượng học sinh khi trở lại trường, phân công giáo viên ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã dạy học trực tuyến cho học sinh trước khi dạy trực tiếp kiến thức mới, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng theo quy định; tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh định kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo hoàn thành chương trình các khối lớp đúng kế hoạch thời gian năm học.
4. Các trường THPT, trung tâm GDTX tỉnh, trung tâm GDnn-GDTX cấp huyện tăng cường phụ đạo,ôn tập, ôn thi lớp 12 phù hợp với đối tượng học sinh; học đến đâu, ôn đến đấy. Tập trung ôn tập nội dung kiến thức chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức cơ bản lớp 10, 11 để học sinh nắm vững kiến thức lớp 12; khai thác, vận dụng kiến thức đã học trong chương trình theo yêu cầu cần đáp ứng các mức độ Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng - Vận dụng cao; linh hoạt các phương án dạy học, ôn tập, ôn thi, đa dạng hóa các hình thức giao bài, kiểm tra, đánh giá; giáo viên tập trung chữa bài, hướng dẫn cách học, tự học, giải các dạng bài tập, trả lời các câu hỏi, kỹ năng làm bài tập trắc nghiệm.
Hướng dẫn học sinh chủ động rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản ngay trong quá trình học; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và thực hiện việc ôn tập theo từng giai đoạn giữa học kỳ II, cuối học kỳ II và đến khi thi tốt nghiệp THPT; đảm bảo khi học hết chương trình môn học lớp 12, học sinh đã có một đề cương ôn tập hoàn chỉnh sắp xếp theo chủ đề, bám sát nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Tiếp tục rà soát, phân chia lớp/nhóm để tổ chức ôn tập, ôn thi phù hợp với đối tượng học sinh/học viên và điều kiện thực tế của đơn vị để tổ chức ôn tập, ôn thi phù hợp, có hiệu quả; đặc biệt quan tâm đến học sinh, học viên có học lực yếu, kém, có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Thực hiện tốt phương châm: dạy học hiệu quả từng tiết học trên lớp; học đến đâu ôn tập, ôn thi đến đó; chú trọng hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu.
5. Tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, luôn bám sát tình hình thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, từng bước “bình thường hoá” với dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ./.