Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các vấn đề trọng tâm liên quan đến những ưu điểm và hạn chế của chương trình Giáo dục mầm non hiện hành, đồng thời đề xuất những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung cho chương trình Giáo dục mầm non mới.
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN phát biểu kết luận Hội thảo Kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh một số định hướng cơ bản trong việc điều chỉnh chương trình Giáo dục mầm non sau năm 2020 là:
Chương trình Giáo dục mầm non mới tiếp tục phát huy những điểm ưu việt đồng thời khắc phục những hạn chế của chương trình Giáo dục mầm non hiện hành. Một số vấn đề cần khắc phục của chương trình Giáo dục mầm non hiện hành khi xây dựng chương trình mới là: Mặc dù chương trình Giáo dục mầm non hiện hành là chương trình khung nhưng đang có nhiều nội dung quá chi tiết dẫn đến hạn chế sự sáng tạo của người thực hiện; một số nội dung của chương trình chưa hướng đến phát triển khung năng lực cốt lõi, tối thiểu của trẻ độ tuổi mầm non.
Để bắt nhịp với định hướng phát triển năng lực học sinh hiện nay. Chương trình Giáo dục mầm non mới tiếp tục xây dựng theo định hướng là chương trình khung quốc gia, các địa phương, nhà trường thực hiện phát triển chương trình, xây dựng chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương;
Cho phép các hoạt động nâng cao chất lượng thực hiện chương trình như: Cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tin học; giáo dục về giới, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật… theo hướng tích hợp, cơ chế mở;
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt của trẻ để không gây áp lực về thời gian làm việc đối với giáo viên;
Chương trình Giáo dục mầm non phải đồng bộ với các văn bản, các quy định hiện hành khác.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025 sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng chương trình Giáo dục mầm non mới ở các địa phương trong toàn quốc./.