Dự án “Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số” là dự án duy nhất của tổ chức Cứu trợ trẻ em được tài trợ bởi một cá nhân người Anh- ông James Gaskell. Dự án được thực hiện tại hai huyện: huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên và huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái.
Tham dự Hội thảo có ông Erwin Nacuray - Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Cứu trợ trẻ em; Bà Lê Thị Thùy Dương - Quản lý Dự án; các trợ lý Dự án và đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Điện Biên và Yên Bái; lãnh đạo huyện, lãnh đạo và chuyên viên phụ trách cấp học Mầm non, Tiểu học của Phòng GDĐT huyện Điện Biên Đông và huyện Văn Chấn; đại biểu đại diện Ban giám hiệu, giáo viên và nhân viên trợ giảng của 14 trường thuộc hai huyện tham gia Dự án.
Ông Erwin Nacuray - Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Cứu trợ trẻ em phát biểu khai mạc Tại Hội thảo, đại biểu tại hai huyện Dự án đã có bài trình bày về kết quả hoạt động dự án tại đơn vị mình, đồng thời Hội thảo đã được nghe Tiến sỹ Nguyễn Phương Nga có bài trình bày chi tiết, phân tích sâu về kết quả Dự án.
Dự án hoạt động trong 03 năm, từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 7 năm 2016 với 14 trường thụ hưởng, 25 trợ giảng được đào tạo và làm việc tại các trường Dự án; 348 giáo viên được thụ hưởng từ các hoạt động của Dự án.
Theo báo cáo của Dự án, sau 3 năm hoạt động, 4363 trẻ em dân tộc thiểu số ở các huyện Điện Biên Đông và huyện Văn Chấn được tiếp cận giáo dục nhiều hơn và kết quả học tập được cải thiện: điểm trung bình tiếng Việt tăng 1,95 trong khi điểm trung bình Toán tăng 3,9 điểm; kết quả học tập tăng trong tất cả các nhóm dân tộc và không khác biệt nhiều về giới tính, trong đó nhóm trẻ người Mông có nhiều tiến bộ so với khảo sát ban đầu.
Bà Lê thị Thùy Dương- Quản lý dự án điều khiển phần thảo luận Tại hội thảo, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả sau khi Dự án kết thúc như:
Đối với cán bộ quản lý: Tiếp tục chỉ đạo nhân rộng và phát huy hiệu quả các hoạt động dự án đến các đơn vị thuộc cấp quản lý, đưa vào nội dung Kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học; tổ chức chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị khác; khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên vùng dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số của địa phương; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tìm cơ hội đầu tư cho phát triển giáo dục tại địa phương từ các chương trình dự án khác…
Đối với giáo viên: Tích cực tự học tiếng dân tộc thiểu số; phân công giáo viên là người dân tộc thiểu số cùng đân tộc thiểu số tại địa phương dạy những lớp đầu cấp, có nhiều trẻ mới đến trường, giúp giáo viên không cùng dân tộc với trẻ làm quen với trẻ; tranh thủ sự hỗ trợ của phụ huynh, của trẻ lớp lớn hơn trong việc giúp trẻ làm quen với tiếng Việt khi mới đến trường…
Đối với các nhân viên trợ giảng: Tiếp tục hỗ trợ giáo viên một số buổi đầu năm học, giúp giáo viên học tiếng dân tộc thiểu số của địa phương…
Dự án cũng thông báo một tin vui, mặc dù Dự án kết thúc song nhà tài trợ quyết định sẽ tiếp tục hỗ trợ trả lương cho các nhân viên trợ giảng làm việc thêm 01 năm nữa, đồng thời sẽ tăng khoảng 20% lương và hỗ trợ đi lại cho các nhân viên trợ giảng.
Kết thúc hội thảo, Ban tổ chức đã trao Bằng chứng nhận cho các đơn vị thực hiện dự án và vinh danh những cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho hoạt động của Dự án.
Vinh danh 02 tập thể trường tiêu biểu Vinh danh 2 giáo viên và 2 trợ giảng tiêu biểu