Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ nói, giao tiếp và đọc viết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển nhân cách của trẻ mầm non nói riêng, của con người và xã hội nói chung. Lứa tuổi mầm non là thời kỳ phát cảm ngôn ngữ, đây là giai đoạn có nhiều điều kiện thuận lợi nhất có sự linh hội ngôn ngữ nói và các kỹ năng đọc viết ban đầu của trẻ. Giai đoạn này trẻ đạt được nhừng hình thành vĩ đại mà ở các giai đoạn sau không thể có được, trẻ học nghĩa và cấu trúc của từ, cách sử dụng từ ngữ để chuyển tải suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, hiểu mục đích và cách thức con người sử dụng chữ viết.
Hiện nay, ngôn ngữ sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta là tiếng Việt, đối với trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số, tiếng Việt được coi là ngôn ngữ thứ hai của trẻ, trẻ vùng dân tộc thiểu số học tiếng Việt cũng giống như chúng ta học một ngoại ngữ nào đó, có rất nhiều khó khăn và rào cản phải vượt qua để cho trẻ có được vốn tiếng Việt tốt trước khi bước vào lớp 1.
Vì vậy, để chuẩn bị tốt tiếng Việt cho trẻ là rất cần thiết và điều đó tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện từng vùng miền khác nhau để giáo viện lựa chọn hình thức, phương pháp phù hợp từ đó có những tác động tốt nhất khi dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Số này xin giới thiệu với các đồng nghiệp kinh nghiệm quản lý việc “Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số”
Góc tạo môi trường tiếng Việt cho trẻ 1. Chú trọng đưa nội dung chỉ đạo tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số vào Hướng dẫn nhiệm vụ năm học, các văn bản chỉ đạo chuyên môn. Trong đó, chỉ đạo xây dựng môi trường tiếng Việt (gồm môi trường vật chất và môi trường xã hội) ở các trường mầm non phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản: Đáp ứng mục tiêu và nội dung của chương trình GDMN, đảm bảo công bằng với tất cả trẻ trong lớp, phát huy các điều kiện thực tế của địa phương, tạo được môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt thuận lợi cho trẻ.
2. Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, các tổ chức xã hội và nhân dân trên địa bàn phối hợp, tạo điều kiện để phát triển giáo dục mầm non, trong đó quan tâm đến việc tạo môi trường tiếng Việt thông qua việc bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; phối hợp trong chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là trẻ ở các điểm trường vùng khó khăn. Yêu cầu đưa việc xây dựng, cải tạo môi trường giáo dục ở các trường, điểm trường như:
Môi trường giáo dục được xây dựng phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, nội dung giáo dục nói chung và nội dung dạy tăng cường tiếng Việt nói riêng của các lớp.
Môi trường của các nhóm, lớp đã tạo cho trẻ có nhiều cơ hội học tập và được hoạt động với môi trường tiếng Việt cho dù trẻ học trong lớp đơn hay lớp mẫu giáo ghép. Ví dụ: các đồ dùng, thiết bị trong lớp được dán ký hiệu bằng các chữ cái; các mảng tường có sử dụng đa dạng các kiểu chữ cái; các chữ cái và chữ số treo/ dán trong lớp; cây xanh, các khu vực (vườn cây, khu phát triển vận động…) trong sân trường đều có biển tên tương ứng…
Ngoài việc quan tâm mua sắm bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi hiện đại thì việc tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có, sự vào cuộc của các bậc phụ huynh tại địa phương được các trường mầm non chú trọng thực hiện. Hàng năm các trường mầm non, các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức Hội thi đồ dùng đồ chơi tự làm trong đó các nguyên vật liệu sẵn có, rẻ tiền được tận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả. Một số đơn vị tổ chức Hội thi Cha mẹ làm đồ chơi cho trẻ, cha mẹ cùng cô giáo hướng dẫn trẻ làm đồ chơi, cha mẹ cùng cô giáo làm đồ chơi ngoài trời cho trẻ…
Các nhóm, lớp tạo ra môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt tích cực thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các giờ học tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vào các buổi chiều trong tuần, tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ - trẻ, giữa trẻ - cô và những người xung quanh.
Riêng đối với lớp mẫu giáo ghép, môi trường tiếng Việt đã quan tâm đến tính phù hợp với sự khác biệt về nội dung giáo dục của các độ tuổi, về văn hóa của các dân tộc có trong lớp. Đặc biệt là môi trường giao tiếp tiếng Việt tăng cường sự giao tiếp giữa trẻ các độ tuổi với nhau (cùng độ tuổi, khác độ tuổi) và có sự đan xen về độ tuổi cũng như trình độ tiếng Việt để trẻ có nhiều cơ hội học tập và chia sẻ lẫn nhau, không kỳ thị hoặc phân biệt đối xử.
Môi trường giao lưu, giao tiếp của trẻ được mở rộng. Cha mẹ trẻ thường xuyên được trao đổi, phối hợp, tham gia, giám sát các hoạt động giáo dục trẻ ở trường nói chung và hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Việt nói riêng cho trẻ dân tộc thiểu số.
Mặt khác, việc sử dụng môi trường giáo dục để dạy tiếng Việt cho trẻ được giáo viên các trường mầm non sử dụng khá hiệu quả, có sự sắp xếp hợp lý và tối đa hóa các cơ hội học tập cho trẻ theo từng chủ đề giáo dục.
Hoạt động góc của trẻ lớp mẫu giáo ghép 3. Chỉ đạo thực hiện xây dựng môi trường tiếng Việt theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Như tổ chức các Hội thảo về: “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số”, “Thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các lớp mẫu giáo ghép”, “Tổ chức chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”; tổ chức hoạt động thực tế tại một số trường trên địa bàn tỉnh về công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số; chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế môi trường trong và ngoài lớp học… nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cán bộ quản lý, giáo viên trong quá trình thực hiện.
4. Thực hiện nghiêm túc các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non. Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng về nội dung, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ mầm non nói chung và xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số nói riêng.
5. Tăng cường các giải pháp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng, phương pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số; giáo viên dạy ở vùng dân tộc thiểu số học thêm về tiếng của dân tộc nơi mình công tác.
6. Thực hiện có chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thực hiện giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ từ việc lập kế hoạch đến tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữ và các hoạt động giáo dục khác, đặc biệt quan tâm đến các cơ sở giáo dục vùng khó khăn, vùng sâu, biên giới.
7. Tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, hỗ trợ cơ sở vật chất xây dựng môi trường, nâng cao các điều kiện tổ chức bán trú, hỗ trợ tổ chức một số hội thi cho trẻ…
Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp các đồng nghiệp tổ chức thành công hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trong trường mầm non. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp./.