Tham dự Hội thảo có 85 đại biểu là đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non; Vụ Giáo dục dân tộc; Vụ Giáo dục tiểu học; Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương; Đại học, cao đẳng sư phạm Tây Bắc; Đại học Vinh và Sở GD&ĐT 31 tỉnh phía Bắc, Ban phụ nữ Quân đội.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo diễn ra trong 02 ngày với khá nhiều nội dung như: dự giờ các hoạt động giáo dục; tham quan cách tạo môi trường trong lớp, ngoài lớp; tham luận của các đơn vị, trao đổi thảo luận về: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non; Phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non, chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1; Xây dựng môi trường phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non phù hợp nhu cầu phát triển của trẻ; Phương pháp dạy ngôn ngữ thứ 2 cho trẻ mầm non (tiếng Anh); Kinh nghiệm phát triển ngôn ngữ cho trẻ phù hợp với vùng miền. Tuy thời gian không nhiều, số lượng hoạt động khá lớn song với tinh thần làm việc hết sức tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm cao, hội thảo cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra.
Hoạt động làm quen với tiếng Anh cho trẻ 5- 6 tuổi
tại trường mầm non thực hành Hoa Sen, quận Ba Đình, Hà Nội
Trường mầm non thực hành Hoa Sen, quận Ba Đình, Hà Nội là 01 trong 03 trường thực hành của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương và đây cũng là trường mầm non chất lượng cao của thành phố Hà Nội. Trường có diện tích khuôn viên khá rộng, được xây 03 tầng, có đầy đủ các phòng chức năng phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ, ngoài ra nhà trường còn có 02 phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và 03 phòng Lab để cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Nhà trường có khu phát triển vận động khá rộng rãi được trải thảm cỏ nhân tạo và có nhiều đồ chơi ngoài trời đẹp mắt, hấp dẫn (ngôi nhà cổ tích, các con vật,…) thu hút sự hứng thú tham gia của trẻ.
Hoạt động ngoài trời của trẻ tại trường mầm non thực hành Hoa Sen, quận Ba Đình, Hà Nội
Phát biểu tại Hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh những nội dung cụ thể sau:
1. Nội dung phát triển ngôn ngữ, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1 đã được đưa ra đầy đủ trong Chương trình GDMN. Tuy nhiên để thực hiện tốt các nội dung đó đòi hỏi các cơ sở GDMN phải có hướng dẫn kỹ lưỡng, công phu để trẻ có thể phát huy những khả năng của mình, hoàn thiện ở mức cao hơn những gì trẻ đã biết và có thể làm được một cách tốt nhất.
2. Các cơ sở GDMN cần quan tâm xây dựng môi trường phát triển ngôn ngữ cho trẻ (môi trường chữ viết, môi trường giao tiếp tiếng Việt,...) để trẻ trải nghiệm, khám phá.
3. Quan tâm hơn nữa đến phương pháp và kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ của giáo viên mầm non như: sưu tầm các bài ca dao, đồng dao, thơ, câu chuyện, bài hát của địa phương giúp trẻ hứng thú, tích cực tham gia hoạt động nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp và mở rộng vốn từ cho trẻ.
4. Đối với những vùng dân tộc thiểu số, các đơn vị cần chú trọng công tác dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức, trong đó coi trọng các mô hình tại cộng đồng để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Qua Hội nghị cho thấy còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi cần sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị để thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non./.