Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 đã được Quốc hội thông qua như: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2015 là phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 82%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, của Nghị quyết; Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nỗ lực phấn đấu để thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2015; thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra; trong đó tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; cụ thể như: Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; phát triển thị trường, đảm bảo cân đối nhu cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác thông tin truyền thông. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế./.