Mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, dạy và học nghề bằng các công nghệ phần mềm tiên tiến trên thế giới; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin theo hướng số hóa, mô phỏng hóa các máy móc, thiết bị dạy nghề tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện về quản lý, dạy và học nghề theo hướng hiện đại; tạo đột phá về chất lượng đào tạo góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập với khu vực và quốc tế. Đề án đã đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, có ít nhất 50% cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở hạ tầng hoàn thiện; ít nhất 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ứng dụng vào hoạt động dạy và học các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN, quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam luôn quan tâm đến dạy nghề và tăng năng suất lao động
Hoạt động chính của Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020, gồm:
1) Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, đồng bộ, gồm: Trung tâm tích hợp dữ liệu; quản lý về giáo dục nghề nghiệp; hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy của các trường được lựa chọn phát triển thành trường nghề chất lượng cao về máy móc, trang thiết bị tại các phòng thực hành và phòng học tích hợp; các thiết bị, hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu về đánh giá kỹ năng nghề và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;
2) Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến; hệ thống thiết bị mô phỏng, thiết bị thực tế ảo, thiết bị dạy học thuật; các chương trình, giáo trình, học liệu, bài giảng điện tử, bài giảng mô phỏng; hệ thống kiểm tra, giám sát và đánh giá; hệ thống hỗ trợ các hoạt động dạy, học trong giáo dục nghề nghiệp; đào tạo và chuyển giao công nghệ;
3) Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đào tạo và chuyển giao công nghệ;
4) Chuẩn hóa, mở rộng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số thống kê và đào tạo, hướng dẫn khai thác, sử dụng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp về giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, lao động đã qua học nghề; báo cáo tổng hợp, phân tích, dự báo và hỗ trợ ra quyết định; quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khai thác, quản trị cơ sở dữ liệu; kết nối trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp và cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; điều hành, quản lý, hỗ trợ hướng nghiệp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học nghề; Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin trong giáo dục nghề nghiệp; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; Xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp; Giám sát, đánh giá, tăng cường kiểm tra tình hình ứng dụng công nghệ thông tin để có những biện pháp thúc đẩy kịp thời.