Quản lý hoạt động dạy và học cũng là một hoạt động quản lý, do vậy việc xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch dạy học cho từng môn học là một công việc quyết định đến chất lượng dạy và học của một nhà trường.
Việc xây dựng kế hoạch dạy học trong môn học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, phù hợp với đối tượng học sinh đặc biệt là các trường ở vùng đặc biệt khó khăn như trường THPT Chà Cang được nhà trường quan tâm thực hiện.
Qua việc thực hiện xây dựng kế hoạch dạy học trong từng môn học, nhà trường đã có cái nhìn sâu hơn, sát thực hơn về các điều kiện của nhà trường: tình hình đội ngũ, năng lực thực tế của học sinh, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và học tập, tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học và các hoạt động giáo dục, đảm bảo tổng thời lượng của các môn học và các hoạt động giáo dục trong mỗi năm học. Việc xây dựng kế hoạch phù hợp đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
(Một góc khuôn viên của trường THPT Chà Cang)
Sau đây nhà trường xin được chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch dạy học môn học góp phần nâng cao chất lượng dạy và học và nhất là đối với học sinh yếu, kém.
Thực trạng của vấn đề
Ưu điểm
- Nhà trường cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Điện Biên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học.
- Lực lượng đội ngũ giáo viên nhà trường trẻ, nhiệt tình ở gần nhà trường thuận lợi cho việc huy động tham gia các hoạt động chuyên môn trong đó có việc tham gia xây dựng kế hoạch dạy học theo từng môn học được dễ dàng hơn.
- Sự quan tâm của cán bộ quản lý nhà trường trong việc chỉ đạo thực hiện xây dựng kế hoạch giảng dạy theo từng môn học nghiêm túc.
Hạn chế
- Việc xây dựng kế hoạch của một bộ phận giáo viên còn chiếu lệ, chưa đầu tư sâu vào các thành tố của kế hoạch môn học mà mình xây dựng: xây dựng mục tiêu của kế hoạch, nội dung và cách thức thực hiện kế hoạch, giao nhiệm vụ trên lớp và ở nhà...
- Một số chưa hiểu hết các khái niệm về bậc nhận thức cho nên đưa ra mục tiêu chung chung, việc xây dựng kế hoạch không gắn với các điều kiện hiện có của nhà trường: đối tượng học sinh, năng lực đội ngũ, điều kiện về cơ sở vật chất.
- Một số giáo viên đã tích cực hơn trong việc xây dựng kế hoạch song vấp phải một số khó khăn khách quan như:
+ Cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu: thiếu phòng học phải học 2 ca, thiếu phòng học bộ môn, phòng bồi dưỡng cho HSG, HS yếu, kém, phòng làm việc cho đội ngũ CBQL và các tổ chức đoàn thể của nhà trường.
Nguyên nhân: Trong 2 năm học 2014-2015 và 2015-2016 nhà trường đều duy trì số lượng 19 lớp nhưng chỉ có 12 phòng học, không đủ lớp để bồi dưỡng học sinh yếu, hiện tại đã được Sở GD&ĐT bổ sung phòng học xong chưa thể sử dụng được.
+ Chất lượng học sinh (HS) của nhà trường còn yếu
Nguyên nhân: Đa số HS của nhà trường đều là con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn có năng lực còn hạn chế; nhiều học sinh khi bước vào lớp 10 còn bị hổng nhiều kiến thức ở cấp học THCS, cụ thể (kết quả kiểm tra khảo sát lớp 10 của 2 năm học 2014-2015, 2015-2016); Đa số học sinh dân tộc hiểu và diễn đạt ngôn ngữ bằng tiếng phổ thông còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình giảng dạy và giao nhiệm vụ. Do đó việc phân loại đối tượng học sinh phục vụ cho quá trình phân chia lớp học còn chưa sát thực.
Kết quả kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 10 năm học 2012-2013:
Lĩnh vực | Từ 0 đến 1 | Từ 1.5 đến 3 | Từ 3,5 đến 4,5 | Từ 5 đến 6 | Từ 6.5 đến 7,5 | Từ 8 trở lên |
KHTN | 87.55% | 10.73% | 0.00% | 1.29% | 0.43% | 0.00% |
KHXH | 53.65% | 33.48% | 4.72% | 6.44% | 1.72% | 0.00% |
Kết quả kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 10 năm học 2013-2014:
Lĩnh vực | Từ 0 đến 1 | Từ 1.5 đến 3 | Từ 3,5 đến 4,5 | Từ 5 đến 6 | Từ 6.5 đến 7,5 | Từ 8 trở lên |
KHTN | 82.79% | 9.77% | 3.72% | 2.79% | 0.47% | 0.47% |
KHXH | 40.93% | 21.86% | 25.12% | 6.98% | 5.12% | 0.00% |
+ Chất lượng đội ngũ chưa cao
Nguyên nhân: Đa số CBQL, giáo viên còn trẻ kinh nghiệm còn ít (tuổi nghề của trung bình của giáo viên 4 năm), chưa được va chạm nhiều trong các hoạt động chuyên môn. Do trường ở xa trung tâm nên điều kiện để được giao lưu, trao đổi với đồng nghiệp còn chưa thường xuyên, liên tục.
Giải pháp
Một là, cập nhật đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học, triển khai nghiêm túc tới cán bộ giáo viên.
Hai là, tập trung đánh giá phân loại đối tượng học sinh ngay từ đầu năm học, đầu cấp học để có biện pháp điều chỉnh trong việc phân công giảng dạy, xây dựng kế hoạch dạy học theo từng môn học, từng khối lớp đảm bảo.
Ba là, nhà trường có sự phân công giảng dạy, phân công chủ nhiệm hợp lý và giao khoán "sản phẩm" cho tới khi HS ra trường (dạy đuổi và chủ nhiệm đuổi) nhằm mục đích: GVCN, GVBM nắm bắt rõ được đối tượng dạy học, giáo viên bộ môn được giao khoán "sản phẩm" và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong suốt khóa học (trừ một số trường hợp cần phải điều chỉnh).
Bốn là, chú trọng tới việc xây dựng và xác định mục tiêu của bài học, môn học sát với đối tượng. Một trong những thành tố quan trọng trong kế hoạch dạy học là xây dựng mục tiêu cần đạt được của một bài học (môn học) phù hợp. Qua việc theo dõi, tìm hiểu nhà trường nhận thấy trong quá trình xây dựng kế hoạch dạy học đa số giáo viên chưa xác định được mục tiêu cần đạt được, là do:
+ Chưa hiểu hết bản chất của các bậc nhận thức nên việc xây dựng mục tiêu còn lộn xộn.
+ Chưa xác định đúng, chưa phân loại đúng đối tượng người học dẫn tới việc xây dựng mục tiêu chưa hợp lý.
+ Việc xây dựng mục tiêu bài học còn chung chung, không lượng hóa, cụ thể hóa được mục tiêu cần đạt.
Vì vậy công việc mà Ban Giám hiệu cần làm là:
+ Tổ chức tập huấn, hướng dẫn tìm hiểu lại việc nắm bắt các cấp độ nhận thức
+ Hướng dẫn giáo viên xây dựng mục tiêu bài học gắn với các cấp độ nhận thức, gắn với việc phân loại đối tượng dạy học; các mục tiêu xây dựng được lượng hóa, cụ thể hóa thông qua các động từ. Từ mục tiêu của từng bài học, xây dựng thành mục tiêu của cả môn học.
Năm là, chú trọng việc hướng dẫn học sinh cách học, học bài ở nhà. Định hướng nội dung kiểm tra nội dung học sinh chuẩn bị bài cũ của HS trong các tiết học tiếp theo.
(Thầy và trò trao đổi sau tiết học)
Sáu là, trong kế hoạch dạy học theo môn học, tập trung xây dưng phân phối chương trình theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó chú ý loại bỏ thông tin cũ, lạc hậu, cập nhật, bổ sung các thông tin mới phù hợp, phát hiện và xử lý các nội dung khó, hàn lâm không còn phù hợp với năng lực học sinh. Ngoài việc giảng dạy kiến thức bộ môn cấp học, cần bổ sung thêm một số kiến thức THCS mà học sinh còn yếu nhất là đối với bộ môn KHTN.
Bảy là, chú trọng xây dựng kế hoạch ôn thi TN THPT theo từng môn, đây cũng công việc quan trọng quyết định đến chất lượng ôn thi TN THPT. Việc bố trí đội ngũ giáo viên tham gia ôn luyện TN, ĐH,CĐ được nhà trường lựa chọn cẩn thận là những giáo viên tâm huyết, có kinh nghiệm giảng dạy, có năng lực chuyên môn.
Kết quả
- Nhà trường bước đầu đã xách định, phân loại được đối tượng học sinh, từ đó có những điều chỉnh về mục tiêu dạy học:
Thông qua các đợt kiểm tra khảo sát học sinh lớp 10, kết quả đánh giá học sinh hàng kì, hàng năm nhà trường đã tiến hành phân loại đối tượng học sinh để thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức các hoạt động dạy và học.
- Việc xây dựng kế hoạch được thực hiện bài bản đối với tất cả giáo viên ở tất cả các bộ môn, phù hợp hơn với đối tượng học sinh, với đội ngũ và cơ sở vật chất nhà trường.
- Chất lượng giáo dục của nhà trường tăng dần theo từng năm học, cụ thể
Chất lượng giáo dục tăng lên
Việc huy động học sinh đến lớp, đến trường dễ ràng hơn: Tỉ lệ huy động học sinh đến lớp trong 3 năm học liền kề luôn vượt chỉ tiêu Sở GD&ĐT giao:
Năm học | 2013-2014 | 2014-2015 | 2015-2016 |
Chỉ tiêu tuyển sinh | 260 | 280 | 200 |
Kết quả tuyển sinh | 308 | 280 | 324 |
Tỷ lệ so với kế hoạch | 118,4% | 100% | 162% |
+ Kết quả thi chọn HSG:
Năm học | Kết quả | Tổng |
Nhì | Giải ba | Giải KK |
2011-2012 | 1 | 4 | 7 | 12 |
2012-2013 | 2 | 3 | 7 | 12 |
2013-2014 | | 1 | 9 | 10 |
2014-2015 | | 3 | 20 | 23 |
HKI 2015-2016 | | | 7 | 7 |
Tổng | 3 | 11 | 50 | 64 |
+ Từ năm 2011 đến nay nhà trường có 64 giải HSG cấp tỉnh, trong đó có những HS đạt giải Nhì, giải Ba
- Chất lượng giáo dục hàng năm tăng lên, số học sinh yếu, kém giảm dần
Năm học | TS HS | Học lực |
Giỏi | Khá | TB | Yếu | Kém |
TS | TL | TS | TL | TS | TL | TS | TL | TS | TL |
2013-2014 | 570 | 1 | 0.18% | 61 | 10.7% | 284 | 49.8% | 210 | 36.8% | 14 | 2.52% |
2014-2015 | 547 | 6 | 1.10% | 147 | 26.8% | 258 | 47.1% | 128 | 23.4% | 8 | 1.4% |
- Kết quả thi TN từng bước được cải thiện: Kết quả thi TN 3 năm liền kề
STT | Năm học | Kết quả TN | Xếp thứ tự trong tỉnh | Ghi chú |
1 | 2012-2013 | 92.05% | 19/28 | |
2 | 2013-2014 | 90.24% | 27/28 | |
3 | 2014-2015 | 86.9% | 19/28 | |
Hiệu quả giảng dạy có chuyển biến tích cực
Đối chiếu kết quả kiểm tra khảo sát lớp 10 năm 2012-2013 với kết quả thi TN THPT quốc gia năm 2014-2015 theo từng môn.
Đối chiếu kết quả kiểm tra khảo sát lớp 10 và kết quả thi TN năm 2015 theo từng môn (của niên khóa 2012-2015) nhận thấy số học sinh có điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 giảm nhiều, thay vào đó số học sinh có khoảng điểm từ trên 1 đến dưới 3.5, số học sinh có điểm cận trung bình (từ 3.5 đến 4.75) và số học sinh có điểm trung bình tăng lên nhiều, đặc biệt số học sinh có điểm khá, giỏi chiếm một tỉ lệ nhất định. Điều đó chứng tỏ việc xây dựng kế hoạch dạy học bám sát đối tượng mang lại hiệu quả cho quá trình dạy học.
- Các hoạt động khác: VHVN, TDTT nhà trường tham gia tích cực vào các hoạt động của ngành và đã đạt được nhiều thành tích cao: đạt giải khuyến khích toàn đoàn Hội thi Giai điệu tuổi hồng năm 2015 với 01 giải Ba và 01 giải khuyến khích; trong năm học 2015-2016 đạt giải 06 huy chương tại HKPĐ cấp tỉnh năm 2016, trong đó có 02 huy chương vàng; tham gia 02 dự án và cả 02 dự án đạt giải trong cuộc thi KHKT dành cho HS phổ thông năm 2015.
Bài học kinh nghiệm
Việc xây dựng kế hoạch dạy học cho các môn học là một việc làm không mới, tuy nhiên làm thế nào để việc xây dựng kế hoạch dạy học hiệu quả, phù hợp với thực tế đội ngũ giáo viên, đối tượng học sinh của nhà trường và cơ sở vật chât của nhà trường là điều cần thiết.
Việc xây dựng kế hoạch dạy học bài bản, khoa học giúp giáo viên có một cái nhìn xuyên suốt, logic về mạch kiến thức bộ môn, tìm hiểu tốt hơn về đối tượng học sinh và gắn với thực tế điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, loại bỏ đi những thông tin lạc hậu, cập nhật cái mới, phù hợp.
Đối với cán bộ quản lý dễ dàng hơn trong công tác quản lý chuyên môn, gắn trách nhiệm cá nhân với công việc được giao.
Phương hướng trong thời gian tới
- Nhà trường tiếp tục quán triệt tốt việc thực hiện xây dựng kế dạy học theo từng môn học, kế hoạch giáo dục (PPCT) theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Thực hiện việc chủ động, tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp đối tượng, tự chịu trách nhiệm về kế hoạch mình đã xây dựng.
- Tiếp tục việc tổ chức các hoạt động dạy và học bám sát đối tượng học sinh trên nền tảng các điều kiện thực tế của nhà trường.
- Việc xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức các hoạt động dạy và học hướng tới các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá trường chuẩn quốc gia để là mục tiêu phấn đấu của nhà trường.
Đề xuất, kiến nghị
Đối với sở GD&ĐT: tiếp tục tổ chức các đợt bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ giáo viên nhất là liên quan đến các hoạt động tổ chức dạy và học, các kỹ thuật dạy học phù hợp đối tượng học sinh và bồi dưỡng học sinh yếu, kém
Đối với trường THPT Chà Cang: tăng cường xây dựng kế hoạch dạy học hợp lý, khoa học bám sát thực tế nhà trường; CBQL, và giáo viên tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, các kỹ năng bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh yếu.