Tiết dạy theo mô hình trường học mới
Với mục tiêu đổi mới đồng bộ các hoạt động sư phạm trong nhà trường; bảo đảm cho học sinh được tự quản, tự tin trong học tập, chiếm lĩnh được kiến thức, kỹ năng qua tự học và hoạt động tập thể; phù hợp với điều kiện về năng lực đội ngũ giáo viên, thiết bị giáo dục của hầu hết các trường học Việt Nam, đồng thời có giải pháp thu hút các gia đình và cộng đồng tích cực tham gia cùng nhà trường thực hiện chức năng giáo dục.
Mô hình triển khai dựa trên sự phối hợp giữa hoạt động học tập cá thể với sự tương tác học sinh - học sinh và học sinh - giáo viên; hướng học sinh đến sự phát triển toàn diện, không chỉ hoạt động lĩnh hội kiến thức mà còn rèn luyện khả năng vẫn dụng kiến thức vào thực tế sinh động, năng lực tự học, kỹ năng sống, tự phục vụ bản thân, tự quản tập thể, bồi dưỡng hứng thú học tập để học tập suốt đời. Môi trường học tập cởi mở, thân thiện, hiệu quả; giáo viên với vai trò là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Chú trọng phát huy năng lực riêng của từng học sinh, không ứng xử một cách đồng loạt bằng cách quan tâm đến từng học sinh ngay trong quá trình học, kịp thời động viên kết quả đạt được, phát hiện những điểm mạnh để khuyến khích, những khó khăn để hướng dẫn, trợ giúp; đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh theo yêu cầu giáo dục, không so sánh học sinh này với học sinh khác.
Hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Học sinh tự thiết lập tiến độ và các bước đi cho quá trình học tập, với một chương trình tự học theo từng bước và tăng cường sự ưu việt của hoạt động nhóm. Học sinh được khuyến khích, tạo cơ hội tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, đặc biệt là hoạt động theo nhóm và tự học. Từ đó, các em có thể khám phá và chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng mới; đồng thời phát triển nhiều phẩm chất và năng lực quan trọng như: tính chủ động, tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, năng lực tư duy phê phán và tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác...
Từ năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mô hình trường học mới đối với cấp tiểu học. Cùng với cả nước, từ năm học 2011-2012 Điện Biên được lựa chọn tham gia Dự án VNEN và thuộc nhóm ưu tiên 1 với 68 trường; tự đảm bảo các điều kiện để triển khai áp dụng mô hình thêm 49 trường. Kết thúc năm học 2013- 2014, học sinh lớp 5 của Điện Biên đã học hết chương trình VNEN tại 68 trường thuộc Dự án là 128 lớp với 2.931 học sinh. Qua ba năm triển khai ở cấp tiểu học đã khẳng định trường học mới là một kiểu mô hình nhà trường hiện đại, tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới, đặc điểm của giáo dục Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng.
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh THCS học theo mô hình trường học mới, nhất là những học sinh đã học theo mô hình trường học mới từ cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo 6 tỉnh (Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kon Tum) triển khai thực nghiệm thành công mô hình ở lớp 6. Từ năm học 2015-2016, Bộ tiếp tục triển khai thực điểm mô hình trường học mới ở lớp 7 tại 6 tỉnh nói trên với các học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 6; đồng thời nhân rộng chương trình lớp 6 ra 63 tỉnh, thành phố trong cả nước trong đó có tỉnh Điện Biên.
Kế thừa kết quả đã đạt được ở cấp Tiểu học, để mô hình trường học mới được triển khai thành công ở cấp THCS, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố báo cáo chính quyền địa phương, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, giải pháp triển khai mô hình ở cấp THCS, đặc điểm, ý nghĩa của mô hình trong việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông. Đề nghị địa phương hỗ trợ kinh phí và sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường để mua sách trang bị cho thư viện nhà trường sử dụng làm sách dùng chung cho các đối tượng học sinh diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh tự nguyện thuê sách của thư viện và trả lại vào cuối năm học.
Tổ chức tham khảo ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh các trường tiểu học đã tham gia mô hình VNEN các năm học trước về hiệu quả cũng như khó khăn khi triển khai mô hình. Tổ chức họp phụ huynh học sinh để thông báo và giải thích cho gia đình học sinh và học sinh hiểu rõ đặc điểm của bộ sách “Hướng dẫn học”. Rà soát điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của nhà trường, nếu thấy đủ điều kiện triển khai mô hình trường học mới thì tổ chức họp phụ huynh học sinh... Trên cơ sở đó, nhà trường quyết định và báo cáo với phòng Giáo dục và Đào tạo về việc tham gia triển khai mô hình trường học đối với lớp 6 cấp THCS năm học 2015-2016.
Năm học này, toàn tỉnh có 59 trường, 174 lớp với 5656 học sinh lớp 6 đăng ký triển khai mô hình trường học mới; các nhà trường đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, chủ động sắp xếp và bố trí giáo viên giảng dạy lớp 6 tham gia các lớp tập huấn, đến nay tất cả các nhà trường đều đã sẵn sàng bước vào năm học mới.
Các phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà trường đã và đang triển khai công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực ủng hộ cơ sở vật chất cho việc triển khai mô hình. Đối với đội ngũ giáo viên, các nhà trường cũng quan tâm chọn những giáo viên giàu thành tích, kinh nghiệm trong giảng dạy, có tinh thần trách nhiệm cao, khả năng truyền đạt tốt để đảm nhiệm việc giảng dạy các bộ môn của lớp 6. Tuy trước mắt còn một số khó khăn như: việc sắp xếp phòng học, xây dựng không gian, nội quy lớp học, thành lập Hội đồng tự quản cho mô hình mới ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ; bộ sách mới có giá cao hơn so với bộ sách truyền thống trước kia... nhưng các nhà trường phấn đấu sẽ triển khai hiệu quả mô hình trường học mới, làm tiền đề cho việc triển khai đại trà ở các khối lớp trong những năm tiếp theo./.