Tiếng Anh là môn thi xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học cao đẳng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong những năm học trước, học sinh được quyền lựa chọn môn thi thay thế cho môn tiếng Anh. Chính vì thế, trong năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 1609/4098 học sinh đăng ký dự thi môn tiếng Anh, chiếm 39,2%. Chính việc học sinh được lựa chọn môn thi thay thế cho môn tiếng Anh nên thái độ và tâm lý của giáo viên dạy môn tiếng Anh cũng như học sinh các trường THPT chưa coi trọng việc dạy và học ngoại ngữ ngay từ lớp 10 và lớp 11. Với tâm lý chưa thực sự sẵn sàng cho việc thi môn tiếng Anh nên khi là môn thi bắt buộc, một số giáo viên và học sinh bắt đầu thấy khó khăn trong giảng dạy và ôn thi cho kỳ thi THPT quốc gia.
So với những năm trước, hình thức thi năm 2017 có một số điểm mới: một là đề thi không có phần viết luận (100% câu hỏi trắc nghiệm); hai là số câu hỏi còn 50 câu so với 64 câu trắc nghiệm và nội dung tự luận của các năm trước; ba là thời gian làm bài còn 60 phút so với 90 phút; và bốn là cấu trúc độ khó của đề thi có thay đổi so với những năm trước (căn cứ vào đề thi minh họa).
Với đề thi minh họa được Bộ GDĐT hướng dẫn, có thể nêu ra một số điểm như sau:
- Đề thi minh họa có số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu có khoảng 15 câu hỏi (tương đương 3 điểm) ở mức độ nhận biết, như vậy thuận lợi cho mục tiêu tốt nghiệp của học sinh.
- Các dạng bài khác vẫn giống với đề năm 2016, kiến thức bao phủ toàn bộ chương trình tiếng Anh ở chương trình học phổ thông đặc biệt là lớp 12.
- Nội dung kiến thức cơ bản là chủ điểm ngữ pháp thông dụng như: các thì trong tiếng Anh, câu so sánh, câu gián tiếp, câu bị động, mạo từ, sự hài hòa giữa chủ ngữ và động từ, mệnh đề quan hệ, cấu trúc song hành. Một số nội dung khó hơn như: cụm động từ ( Phrasal Verb), thành ngữ (Idioms) và từ vựng…
- Bài đọc hiểu điền từ trước đây có 10 câu giờ chỉ còn khoảng 05 câu; 02 bài đọc hiểu chọn câu trả lời đúng trước đây là 20 câu (mỗi bài 10 câu), phần đọc hiểu từ 20 câu còn 15 câu và độ dài mỗi bài ngắn hơn và nội dung, chủ đề bài cũng dễ hiểu và quen thuộc hơn so với các bài của các đề thi năm trước. Tuy nhiên số lượng câu hỏi giảm 15 câu trong khi thời gian chỉ còn 60 phút với 3 bài đọc hiểu là 1 thách thức không nhỏ với học sinh có lực học trung bình và yếu.
- Đề minh họa có một số câu hỏi tình huống được lấy trong phần Nói (Speaking) và phần từ vựng trong chương trình SGK 12.
Giáo viên và học sinh lớp 12 có thể tham khảo một số định hướng sau để học tập và ôn thi môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia hiệu quả hơn:
I. Giảng dạy, kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh cho học sinh lớp 12
1. Giáo viên tiếp tục thực hiện nghiêm túc chương trình giảng dạy theo quy định và hướng dẫn điều chỉnh; hoàn thành chương trình lớp 12 phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết dạy nhằm rèn kỹ năng, củng cố kiến thức cho học sinh; căn cứ đối tượng học sinh từng lớp để thiết kế phiếu học tập phù hợp năng lực nhận thức. Hạn chế sử dụng câu hỏi có sẵn đáp án trong sách giáo khoa của học sinh.
2. Đối với các tiết dạy Đọc hiểu (Read) và Kiến thức ngôn ngữ (Language Focus), giáo viên căn cứ các dạng câu hỏi có trong đề thi minh họa THPT quốc gia năm 2017của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thiết kế câu hỏi tương tự nhằm giúp học sinh làm quen với kiểu bài và có kỹ năng làm bài như: tìm từ cùng nghĩa (closest in meaning), tìm từ trái nghĩa (opposite in meaning), tìm lỗi sai (error indentification), chọn câu cùng nghĩa với câu đã cho, đọc hiểu điền từ (cloze test)...
Đối với tiết dạy đọc hiểu (Read), giáo viên có thể bố trí lại các nhiệm vụ (Task) trong bài đọc hiểu, không nhất thiết phải theo thứ tự trong SGK. Nên thiết kế 1 số câu hỏi dạng nhiều lựa chọn (Multiple Choice Question, khoảng 5 đến 6 câu) để rèn kỹ năng đọc hiểu cho học sinh, giúp học sinh có kỹ năng làm bài đọc hiểu ngay trong các tiết học. Mỗi tiết dạy đọc hiểu nên thiết kế 1 đến 2 câu hỏi cùng nghĩa, trái nghĩa để học sinh làm quen và biết cách làm dạng bài này. Trong quá trình học sinh đưa ra câu trả lời, giáo viên tìm cách gợi mở để học sinh biết tìm câu trả lời nằm ở vị trí nào (dòng, đoạn) trong bài đọc hiểu. Điều này cần sự chuẩn bị của giáo viên trước giờ lên lớp như đánh số dòng trong đoạn văn, thiết kế câu hỏi dạng MCQ, ....
Đối với tiết dạy Kiến thức ngôn ngữ (Language Focus), giáo viên căn cứ vào nội dung kiến thức để thiết kế lại hệ thống bài tập, chủ yếu ôn và rèn kỹ năng làm bài. Đa số các bài tập trong SGK của phần Language Focus ở dạng tự luận. Giáo viên có thiết kế lại các bài tập này thành dạng trắc nghiệm, hoặc tham khảo các nguồn tài liệu khác cùng nội dung kiến thức để lựa chọn dạng bài tập trắc nghiệm phù hợp. Giáo viên cần chỉnh sửa nội nội dung, hình thức của hệ thống bài tập tham khảo, không sao chép nguyên văn nội dung để tránh kiến thức không có trong nội dung bài dạy nhưng có trong hệ thống bài tập giáo viên phát cho học sinh. Các dạng bài tập của phần này gồm: Tìm lỗi sai (Error Identification); chọn đáp án đúng để hoàn thành câu; chọn câu trả lời đúng để điền vào chỗ trống; chọn câu cùng nghĩa với câu đã cho; Giáo viên hướng dẫn học sinh cách làm từng loại bài tập, làm mẫu và học sinh làm các câu còn lại. Khi học sinh đưa ra câu trả lời, cần vấn đáp với học sinh để lựa chọn đáp án đúng thay vì lựa chọn câu trả lời ngầu nhiên. Sau khi đưa ra đáp án, giáo viên phải chỉ ra tại sao lựa chọn đáp án đó và chốt lại kiến thức.
Đối với các tiết dạy Nói, Nghe và Viết của lớp 12, giáo viên vẫn tiến hành dạy đầy đủ các nội dung theo yêu cầu. Đối với các tiết dạy này, giáo viên cần bố trí soạn giảng 1 hoặc 2 nội dung ngữ pháp của phần Language Focus của cùng đơn vị bài học nhằm giúp học sinh có nhiều thời gian để ôn lại kiến thức và rèn kỹ năng làm bài.
3. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng ma trận đề cho các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra cuối học kỳ, đảm bảo kết hợp hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan theo đặc thù của môn tiếng Anh đã được tập huấn, bồi dưỡng hè và tập huấn xây dựng ma trận đề. Đối với học sinh lớp 12, không bắt buộc phải kiểm tra kỹ năng nghe, nói trong các bài kiểm tra 1 tiết và học kỳ. Thời lượng của 2 kỹ năng này bố trí sang phần kiến thức ngôn ngữ và các kỹ năng khác, đảm bảo cân đối về tỷ lệ % giữa các nội dung đọc hiểu, viết, và kiến thức ngôn ngữ.
Học sinh làm bài thi trắc nghiệm môn tiếng Anh (ảnh nguồn Internet) II. Ôn thi THPT quốc gia cho học sinh lớp 12
1. Hiệu trưởng các trường chỉ đạo tổ/nhóm môn tiếng Anh xây dựng kế hoạch ôn thi theo chuyên đề đã được thống nhất trong Hội thảo nâng cao chất lượng ôn thi THPT quốc gia vào tháng 10/2016. Mỗi chuyên đề cần được sắp xếp, bố trí ôn tập cho học sinh ít nhất 2 tiết liên tục/chuyên đề. Nếu các đơn vị hạn chế về cơ sở vật chất thì sắp xếp, bố trí tiết dạy tự chọn và phụ đạo để giáo viên thực hiện các tiết ôn theo chuyên đề cho học sinh.
2. Để ôn thi cho học sinh 1 chuyên đề, giáo viên không chỉ dạy 1 nội dung ngữ pháp duy nhất. Các nội dung cần tích hợp vào 1 buổi dạy chuyên đề 2 tiết (hoặc 3 tiết) gồm: 1 nội dung chuyên đề ngữ pháp, 1 nội dung trọng âm hoặc phát âm, và 1 hoặc 2 bài đọc hiểu. Giáo viên không nên dạy riêng 1 chuyên đề về trọng âm hoặc dạy riêng 1 chuyên đề về đọc hiểu, hoặc 1 chuyên đề về cụm động từ (Phrasal Verbs)... mà những chuyên đề này cần được dạy rải và xen kẽ vào các chuyên đề ngữ pháp khác. Khi ôn tập các chuyên đề tiếp theo, giáo viên nên thiết kế một số câu hỏi của chuyên đề trước để việc nhắc lại kiến thức của học sinh được thường xuyên. Hệ thống câu hỏi của 1 chuyên đề nên bố trí từ dễ đến khó, từ trắc nghiệm đến tự luận (có thể không cần có phần bài tập từ vựng). Các câu hỏi của bài đọc hiểu có hình thức tương đương với các câu hỏi trong đề thi minh họa.
3. Sử dụng hệ thống kiến thức và bài tập theo từng chuyên đề được các đơn vị đề xuất tại Hội thảo ôn thi THPT quốc gia năm 2017 và đưa lên kho dữ liệu chung của Sở. Căn cứ vào thời lượng ôn tập và đối tượng học sinh để lựa chọn nội dung kiến thức, mức độ câu hỏi phù hợp với trình độ và năng lực nhận thức của học sinh. Chuẩn bị nội dung cần ôn tập để phát cho học sinh, giành thời gian cho rèn kỹ năng làm bài; chữa minh họa một số câu hỏi, hướng dẫn học sinh tự làm các câu hỏi còn lại trong thời gian tự học.
Học sinh so sánh kết quả làm bài thi tiếng Anh (ảnh nguồn Internet) 4. Giáo viên cần xây dựng nội dung và tổ chức ôn thi chương trình tiếng Anh hệ 3 năm với một số chuyên đề về từ vựng và ngữ pháp. 02 nội dung này cần được ôn thi xen kẽ, lồng ghép vào các chuyên đề khác của chương trình hệ 7 năm nhằm tránh ôn tập 1 nội dung trong 1 chuyên đề, gây quá tải, căng thẳng cho học sinh.
5. Phương pháp ôn thi theo chuyên đề cần tránh tình trạng phát bài tập - đưa đáp án. Cần hình thành phương pháp, kỹ năng làm từng dạng bài cho học sinh. Đặc biệt chú ý đến hình thành kỹ năng làm bài đọc hiểu, phát âm, trọng âm; cách phát hiện nội dung kiến thức được nhắc đến trong từng câu hỏi.... Khi chữa bài, giáo viên yêu cầu học sinh ghi chép các nội dung kiến thức, các cấu trúc ngữ pháp vào vở ghi bài, không ghi vào tờ bài tập để hình thành thói quen xem lại vở ghi bài ở nhà và trong thời gian tự học; hướng dẫn học sinh cách sắp xếp tài liệu ôn thi, cách tự học, tự nghiên cứu, tự ôn tập.